Đề xuất cấp "sổ đỏ" cho nhà diện tích nhỏ của người thu nhập thấp
Để giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP. Hồ Chí Minh, ông Châu đề xuất thành phố cần xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa, cấp "sổ đỏ" cho căn nhà nhỏ.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế "Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2035" do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết tnăm 2019, dân số TP. Hồ Chí Minh chỉ 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại thành phố.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65 - 94% đối tượng khảo sát); có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Dân số đông nhưng sự phân bố chưa hợp lý; mật độ dân số trung bình của TP. Hồ Chí Minh gấp 14,7 lần mật độ cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm thành phố tăng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực lớn trong công tác quản lý đô thị, đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở.
Đặc biệt là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Do đó, theo ông Phong nhiệm vụ của TP. Hồ Chí Minh vừa phải xây nhà ở mới kiên cố, vừa cải thiện chất lượng nhà ở bán kiên cố thông qua chỉnh trang đô thị, đặc biệt chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu.
Góp ý về thực trạng này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP. Hồ Chí Minh là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP. Hồ Chí Minh là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư… để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Chủ tịch HoREA cho rằng, rào cản đối với người thu nhập thấp ở đô thị khi tạo lập nhà ở là thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền, thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp. Mặt khác, giá nhà cao gấp 20-25 lần so với thu nhập bình quân trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ gấp 5-7 lần.
Đưa ra giải pháp tại hội thảo, ông Châu cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là coi trọng và phát huy vai trò của khu vực tư nhân là phương thức hiệu quả nhất để phát triển nhà ở, giải quyết bài toán nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới, phát triển nhiều mô hình nhà ở xã hội nhằm tạo điều kiện tiếp cận nhà ở cho 10 đối tượng thụ hưởng, theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở, vẫn là nhiệm vụ hàng đầu để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Khuyến khích và đẩy mạnh mô hình hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở, cho thuê nhà ở; mô hình phát triển các điểm dân cư nông thôn; mô hình văn phòng - lưu trú, căn hộ dịch vụ, căn hộ du lịch, cửa hàng - lưu trú đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, kết hợp vừa làm việc, kinh doanh vừa lưu trú.
"Nhà nước vừa là người ban hành "luật chơi", tạo "sân chơi", vừa đóng vai trò trọng tài, điều phối để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, đảm bảo các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và an sinh xã hội" - ông Châu nói.
Ngoài ra, với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở dưới 30m 2 /căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m 2 /căn, thành phố cần phải xem xét lại, có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn để giải quyết bài toán nhà ở.
"Cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp "sổ đỏ" cho "căn nhà nhỏ" của người có thu nhập thấp, người nghèo, kể cả cần xem xét giải quyết có lý có tình đối với trường hợp nhà "3 chung", ông Châu đề xuất.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, vị đại diện HoREA cho rằng, phải nâng cao tính chuyên nghiệp; có năng lực tài chính; xây dựng tinh thần doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp; thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và tôn trọng lợi ích chính đáng của khách hàng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng đầu tư các dự án nhà ở vừa túi tiền đang có nhu cầu rất lớn và tính thanh khoản cao, an toàn và tích cực tham gia các dự án phát triển đô thị mới và các dự án chỉnh trang đô thị, như: Chương trình xây dựng lại các chung cư cũ; Chương trình chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch; Các dự án nhà ở xã hội; phát triển các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh.