Mạnh tay xử lý container hàng phế liệu
Mặc dù hơn một năm qua, theo quy định, các cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh không tiếp nhận phế liệu nhựa nhập khẩu. Tuy nhiên, các chủ hàng vẫn nhập về cảng Cát Lái bằng cách khai tên hàng khác. Khi bị phát hiện, chủ hàng bỏ cả lô hàng tại cảng, vừa gây tốn diện tích, vừa ô nhiễm môi trường.
Tại cảng Cát Lái, quận 2, TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng ngàn container vô chủ và trong số này chiếm tới 72% là container phế liệu, đang chờ ý kiến Hội đồng xử lý phế liệu tồn đọng, buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất, chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến đầu tháng 5/2020, số lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái là 2.029 chiếc.
Trong đó, 363 container được cơ quan chức năng khóa trọng điểm do hàng thuộc các chuyên án; 138 container đã được doanh nghiệp mở tờ khai hải quan, nhưng không đến làm thủ tục nhận hàng, 1.528 con tainer còn lại đã được Chi cục phối hợp với các đơn vị trong Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, thực hiện phân loại để xử lý. Đến nay, toàn bộ số container này đã được phân loại xong, với kết quả hơn 70% là phế thải. Đặc biệt, trong số hơn 1.500 container phế liệu được đưa vào phân loại có đến 1.100 container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, số phế liệu này chủ yếu là màng nhựa, bao bì các loại chưa băm cắt, lẫn tạp chất; vỏ xe cũ, rác thải... Theo ông Nguyễn Thanh Long, nếu các container tồn đọng mà đủ điều kiện nhập khẩu thì sẽ xử lý theo quy trình đấu giá. Với lô hàng không đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các hãng tàu chịu trách nhiệm tái xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ hàng đã bỏ trốn, không nhận hàng vì hàng không đủ điều kiện nhập khẩu; phí lưu container quá nhiều so với giá trị hàng hóa (chi phí lưu mỗi container khoảng 500.000 đồng/ngày).
Về phía đơn vị dịch vụ, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, các hãng tàu gặp khó khi quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu được siết lại. Tuy nhiên, quy định đã có, các hãng tàu phải lường trước rủi ro và thận trọng trong việc chọn đối tác. Thông thường, phải yêu cầu đơn vị thuê vận chuyển cung cấp đầy đủ giấy phép nhập khẩu lô hàng, có đơn vị cam kết nhận hàng, thậm chí phải yêu cầu tạm ứng chi phí thì mới tiến hành vận chuyển chứ không thể chủ quan rồi gây hệ lụy lớn.
Để có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, cho biết đơn vị đã chủ động phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thống kê, phân loại tìm chủ sở hữu hoặc có liên quan đến các lô hàng phế liệu. Cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp đến chi cục hải quan xác nhận hoặc xác nhận bằng văn bản chính thức việc làm thủ tục nhận hàng và bổ sung thông tin liên quan để được nhập khẩu, hoặc tái xuất. Cũng theo ông Đinh Ngọc Thắng, để hỗ trợ khách hàng, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu. "Bằng cách làm này, chúng tôi đã giảm được hàng ngàn container phế liệu tại cảng trong thời gian qua", ông Đinh Ngọc Thắng nói.