Năm 2019, giảm 17.567 container phế liệu tồn đọng so với năm 2018
Việc ngăn chặn nhập khẩu rác thải, phế liệu vào Việt Nam được các ngành, các cấp ráo riết vào cuộc, bước đầu mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên, để giảm thiểu hơn nữa lượng rác thải nhập khẩu cần mạnh tay xử lý và ngăn chặn từ xa…
Trong những năm gần đây, hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, đưa hàng ngàn tấn phế liệu nhựa không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng biển. Điều là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vô cùng lớn đối với Việt Nam.
Không ít doanh nghiệp được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, nhưng lại bán phế liệu nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ lẻ khác không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có cảng biển thực hiện kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải, rác thải vào Việt Nam; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.
Cụ thể, ngày 17/9/2018, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 27/2018/CT-TTg về giải pháp cấp bách tăng cường việc quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đã chấm dứt việc cấp phép cho cơ sở nhập khẩu phế liệu về chỉ sơ chế và bán lại nguyên liệu; không cấp mới giấy xác nhận, không gia hạn giấy xác nhận đối với doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; công bố danh sách tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Ngày 13/5/2019, Chính phủ ban hanhg Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 7402/TCHQ-GSQL ngày 27/11/2019 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu đúng quy định, thống nhất, cơ bản không phát sinh các vướng mắc mới.
Tiếp đó, ngày 19/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Quy chế này quy định cụ thể về nguyên tắc, mục đích, nội dung, phương thức và trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, việc phối hợp phải bảo đảm chặt chẽ hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm phối hợp của các bộ và UBND trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu. Hoạt động phối hợp phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, UBND; tuân thủ các quy định tại Quy chế này và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Khi phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì và các đơn vị khác phối hợp; khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ chủ trì xử lý.
Với sự vào cuộc quyết liệt bước đầu đã có nhiều chuyến tích cực. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2019, số container hàng hóa là phế liệu tồn đọng lưu giữ tại các cảng đã giảm 17.567 container so với năm 2018. Kết quả này là do các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các quy định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý từ xa lượng phế liệu, rác thải nhập khẩu; trong đó, vai trò của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã được thể hiện rõ nét.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp như thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại các cảng biển Việt Nam.
Tổng cục Hải quan ban hành Văn bản số 6632/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu để rà soát, thực hiện thông báo tìm chủ hàng và kiểm kê, phân loại thông báo tìm chủ hàng, thành lập hội đồng xử lý hàng tồn.
Lực lượng Hải quan đã hướng dẫn cơ chế xử lý đối với các lô hàng đủ điều kiện nhập khẩu đồng thời kiên quyết yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam các lô hàng không đủ điều kiện.