Mập mờ tiêu chí đánh giá thất nghiệp ở châu Âu
Tình trạng thất nghiệp gia tăng ở Liên minh châu Âu vào tháng 4 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các chương trình làm việc trong thời gian ngắn đã giúp giảm thiểu sức ép trên. Tuy nhiên, hiện nay, không ít chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng mập mờ về tiêu chí đánh giá thất nghiệp ở châu Âu.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng
Eurostat, văn phòng thống kê của Liên minh châu Âu cho biết tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu đã tăng từ 6.4% vào tháng 3 lên đến 6.6% vào tháng 4. Tuy nhiên, tỷ lệ mất việc làm không đồng đều ở các nước châu Âu.
Tây Ban Nha, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vi-rút Corona đã có tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,8% từ 14,2% của tháng trước. Trong khi đó, Đức giữ tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 3,5%.
Tuy nhiên, dữ liệu trên cũng chỉ ra rằng châu Âu đã có khả năng hạn chế tình trạng thất nghiệp của mình trong khi chiến đấu với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Ủy ban châu Âu dự đoán rằng GDP ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục 7,75% trong năm nay.
Lợi ích của các chương trình làm việc trong thời gian ngắn
Các nhà kinh tế tin ghi nhận các chương trình làm việc trong thời gian ngắn đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giữ chân nhân viên bằng cách giảm thời gian làm việc. Sau đó, Nhà nước sẽ trợ cấp một phần tiền lương cho các nhân viên. Ví dụ như ở Đức, chính phủ chi trả từ 60% đến 67% tiền lương cho những giờ không làm việc.
"Các kế hoạch làm việc trong thời gian ngắn có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc làm giảm bớt tác động ban đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế", Bert Colijn, chuyên gia của Ngân hàng Hà Lan chia sẻ.
Các chương trình kiểu này đã từ lâu trở nên phổ biến ở châu Âu, nơi vốn khó khăn trong việc tuyển dụng và sa thải nhân viên, nơi nhiều nhân viên được bảo vệ bởi các thỏa ước lao động tập thể. Chương trình làm việc trong thời gian ngắn được sử dụng ít thường xuyên hơn ở Hoa Kỳ, dù tỷ lệ thất nghiệp lên tới 14,7% trong tháng Tư.
Một nghiên cứu của Viện Công đoàn châu Âu đã chỉ ra rằng vào cuối tháng 4, các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu đã nộp khoảng 42 triệu đơn xin hỗ trợ người lao động thông qua các chương trình làm việc trong thời gian ngắn, tương đương với gần 27% toàn bộ nhân viên ở lục địa này.
Tiêu chí đánh giá thất nghiệp còn mập mờ
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Anna Titareva của ngân hàng UBS cho rằng các cuộc điều tra thị trường lao động có thể không nắm bắt được toàn bộ thiệt hại đối với người lao động châu Âu. Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Italia đã giảm một cách đáng ngạc nhiên từ 8% xuống còn 6,3% trong tháng 3.
"Có vẻ như những người mất việc sau khi ban hành các lệnh phong tỏa không được tính là thất nghiệp," Titareva chia sẻ.
Để được coi là thất nghiệp trong các khảo sát của EU, đòi hỏi phải tích cực tìm kiếm công việc và sẵn sàng bắt đầu một công việc mới trong vòng hai tuần tiếp theo. Hạn chế về mặt di chuyển hoặc nhu cầu chăm sóc trẻ em liên tục trong mùa dịch có thể là trở ngại lớn khiến mọi người ngừng tìm kiếm việc làm, Titareva nói.
Hướng đi trong tương lai
Để hồi phục cho tương lai, phần lớn phụ thuộc vào thời gian và quy mô của suy thoái kinh tế. Các chương trình làm việc trong thời gian ngắn của châu Âu hoạt động tốt như các biện pháp ngăn chặn, nhưng chúng chỉ có thể được sử dụng trên cơ sở tạm thời.
"Vì sự phục hồi có thể sẽ diễn ra trong một thời gian tương đối dài, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ theo đó tăng lên đáng kể, mặc dù việc làm trong thời gian ngắn sẽ giúp đầu ra phục hồi nhanh hơn một khi nhu cầu trở lại", Colijn nói.