Nông sản châu Âu giá rẻ sẽ đổ bộ vào Việt Nam theo EVFTA
Ngành nông nghiệp được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nhất khi EVFTA có hiệu lực, song nếu chủ quan, doanh nghiệp Việt không những để tuột mất cơ hội mở rộng thị phần tại EU, mà còn đánh mất "sân nhà" cho hàng EU.
Thay vì bỏ ra gần 200.000 đồng để mua 1kg sườn sụn heo trong nước, chị Phương Hà (Long Biên - Hà Nội) đã chuyển sang sử dụng sườn nhập khẩu (NK) từ Italia, Canada với giá chỉ 118.000 đồng/kg.
Thất thế cạnh tranh cả giá và chất lượng
Thời gian gần đây, nhà chị Hà không còn mua các mặt hàng thịt heo trong nước bởi giá quá cao, mà ưa chuộng sử dụng các loại thịt NK từ thị trường EU có hương vị, chất lượng thơm ngon mà giá rẻ hơn gần 50%.
Thịt heo châu Âu giá rẻ gần 50% so với hàng nội đang được nhiều người Việt ưa chuộng (Ảnh: TL) |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt…
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Bộ Công Thương nhận định, cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của Việt Nam còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại nguy cơ hàng Việt không đủ tiêu chuẩn vào thị trường EU, trong khi hàng nông sản từ khu vực này sẽ tràn vào thị trường Việt Nam để khai thác thị trường 100 triệu dân vốn được xem là rất tiềm năng. Hiện tại, tại một số nước EU, giá thành thịt lợn chỉ 26.000 - 28.000 đồng/kg sẽ là nguy cơ lớn nếu chúng ta không củng cố thị trường tốt.
Câu chuyện thịt heo ở trên là một cảnh báo cần được lưu ý đối với ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Thực tế, chưa cần EVFTA có hiệu lực, thịt heo châu Âu đã có giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm trong nước.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2020, giá trị NK thịt và sản phẩm từ thịt của Việt Nam đã đạt 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), đánh giá sức ép với ngành chăn nuôi trong nước là không nhỏ khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, các mặt hàng thịt lợn nhập từ EU đang chịu thuế 15 - 27% sẽ giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá thịt đông lạnh. Giá mua ở cổng trại chăn nuôi cao hơn từ 40 - 60% so với các nước phát triển.
Doanh nghiệp nội cần liên kết
Đối với ngành sữa, thuế NK sẽ giảm trong vòng 3 năm, như vậy sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) sữa Việt gần như không được hưởng lợi từ XK, vì EU vẫn chưa cấp phép NK có xuất xứ từ Việt Nam.
Điều này cho thấy, nhiều nước EU có khả năng XK rất mạnh các sản phẩm chăn nuôi như: thịt lợn, bò, gà, sữa… vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, khả năng thâm nhập các thị trường mới của ngành chăn nuôi nội địa còn yếu, do nhiều sản phẩm chưa được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Hiện, các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng khi các mức thuế quan được cắt giảm, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch NK từ EU sẽ tăng đáng kể.
Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng sẽ làm gia tăng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi Việt Nam tại thị trường nội địa.
Ông Trần Công Thắng nhận định: "Đây là áp lực đối với DN trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành. Nhất là khi ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế… rất khó để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại".
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, mỗi ngành cần phải có chiến lược cụ thể để chiếm lĩnh thị trường khi Việt Nam hội nhập EVFTA. Trong đó, vấn đề quan trọng là tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy, các DN kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng trên cơ sở áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao sẽ là giải pháp đột phá chiến lược, tạo sức cạnh tranh cao, kịp thời chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới.
Đồng thời, điều cần thiết là phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu.
Với ngành sữa, ông Trịnh Quốc Dũng, đại diện Vinamilk, nhấn mạnh thị trường nước ngoài là quan trọng nhưng thị trường nội địa là quyết định. Mỗi một doanh nghiệp đều có những đặc thù riêng nên cần sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù.