Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh quý I/2018: Tỷ lệ lấp đầy cao kỷ lục

Theo Lữ Ý Nhi/doanhnhansaigon.vn

Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh quý I/2018 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm gần như không có trong quý này.

Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh quý I/2018 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhất từ trước đến nay. Nguồn: internet
Mặt bằng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh quý I/2018 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhất từ trước đến nay. Nguồn: internet

Với sự phát triển không ngừng của ngành hàng ăn uống, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ sôi động trong năm 2018.

Theo CBRE, các thương hiệu quốc tế thuộc ngành hàng ăn uống đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Việt Nam và sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai gần, do Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, mức chi tiêu của người dân tăng mạnh và sự phát triển đáng kể của tầng lớp trung lưu.

Trong quý này, các nhãn hàng ăn uống quốc tế vào thị trường TP. Hồ Chí Minh đến chủ yếu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như là Thái Lan, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản, bao gồm một số nhãn hiệu như TooCha, Meiwei, Buffalo Wild Wings và Aori Ramen.

Theo như số liệu mới được công bố của tổ chức International Grocery Research Organization (IGD), Việt Nam được dự báo là sẽ trở thành thị trường có tốc độ phát triển các cửa hàng tiện lợi nhanh nhất khu vực Châu Á vào năm 2021, xếp trên Philippines và Indonesia. Các nhãn hàng quốc tế như Family Mart đến từ Nhật Bản, Circle K đến từ Mỹ, Shop&Go và B’s mart đến từ Đông Nam Á đang thống lĩnh thị trường và chiếm gần 70% tổng số cửa hàng tiện lợi hiện nay.

Tuy nhiên, thị trường sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi trong nước và quốc tế khác vì họ đang muốn chiếm thêm thị phần thông qua việc mở rất nhiều cửa hàng tiện lợi khắp Việt Nam. Ví dụ, Vinmart - một thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn của Việt Nam - đang có kế hoạch mở thêm 3.000 cửa hàng khắp cả nước trong những năm tới. Gần đây, GS25 - một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã vào thị trường Việt Nam và đang muốn mở hơn 2.500 cửa hàng khắp cả nước trong 10 năm tới.

Trong thời gian gần đây, thương mại điện tử nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng, được mong chờ sẽ phát triển nhanh chóng. Tới năm 2020, thị trường thương mại điện tử sẽ có tổng trị giá là 10 tỷ USD. Những công ty thương mại điện tử lớn của Việt Nam bao gồm Tiki và Lazada gần đây đã nhận được khoản đầu tư rất lớn từ các công ty Trung Quốc bao gồm JD.com và Alibaba.

Trước nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ gia tăng, nhận định của Công ty JLL cũng cho rằng, trong quý I/2018, nguồn cung bán lẻ đang tăng do thị trường có thêm trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall với tổng diện tích sàn bán lẻ 55.000m2, dự án Parkson Flemington Deparrtment Store với diện tích 26.000m2 diện tích sàn cũng được thay đổi công năng.

Tính đến hết quý I/2018, phân khúc bán lẻ cửa hàng tiện lợi và mini mart sẽ có thêm 1.800 cửa hàng với diện tích sàn khoảng 272m2, tăng 5,1% so với quý trước. Trong quý tới, gần 50.000m2 diện tích sàn bán lẻ ở khu vực ngoài trung tâm cũng dự kiến hoàn thành, chiếm 20% tổng nguồn cung trong năm 2018.

Dù thêm nguồn cung nhưng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm cũng dự kiến cũng sẽ tăng trong những quý tới của năm 2018. Hiện, tổng giá thuê gộp trung bình thị trường ở mức khoảng 47 USD/m2/tháng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Khu vực trung tâm ghi nhận mức giá thuê tăng, nhờ vào hoạt động thuê tốt đến từ nhiều khách thuê, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, thời trang, sức khỏe và giải  trí. Đặc biệt, mô hình trung tâm thương mại phong cách (lifestyle) và không gian làm việc chia sẻ (co-working) sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà vận hành có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Theo CBRE, trong quý I/2018, mặc dù nằm tại khu vực ngoài trung tâm, trung tâm thương mại Vạn Hạnh với 60.000m2 diện tích cho thuê đã đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90% khi khai trương với hơn 200 nhãn hàng trong và ngoài nước.

Trong khi giá thuê khu vực trung tâm tăng nhẹ, đạt 121,6 USD/m2/tháng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm do nhu cầu thuê mặt bằng khu trung tâm vẫn rất tốt thì ngược lại, vì nguồn cung ngày càng nhiều nên giá thuê khu vực ngoài trung tâm giảm 1,1% so với quý trước, đạt 36,4 USD/m2/tháng.

Một số dự án bán lẻ tại khu ngoài trung tâm phải điều chỉnh giá chào thuê để lấp đầy những diện tích còn trống, hoặc đưa ra điều khoản thuê linh hoạt hay chấp nhận chia doanh thu với tỷ lệ từ 20 - 25% mà không có giá thuê cố định vào thời gian thuê ban đầu.

Quý I ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao nhất từ trước đến nay ở TP. Hồ Chí Minh. Tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm là gần như không có trong quý này, nhờ vào nguồn cung hạn chế. Tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm cũng rất thấp và gần như không đổi so với quý trước với 6,9%, giảm 6,1% điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét đến nguồn cung tương lai, CBRE cho rằng, có tới 10 trên 15 dự án đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích cho thuê lên tới 325.342m2 ở khu vực ngoài trung tâm và sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020.

Những dự án này sẽ chiếm tới gần 56% tổng nguồn cung trong vòng 3 năm tới. Một nửa trong 15 dự án này sẽ được hoàn thành vào năm 2018, bao gồm dự án The Landmark 81 (quận Bình Thạnh – 59.000m2 diện tích sàn hiệu dụng) và trung tâm thương mại Khang Gia (quận Thủ Đức – 67.200m2 diện tích sàn hiệu dụng). Union Square đóng cửa trong những tháng đầu năm 2017 để sửa sang và sẽ được mở lại vào cuối năm nay.

Trong vòng 3 năm tới, thị trường bán lẻ sẽ trở nên cạnh tranh hơn, đặc biệt là ở khu vực ngoài trung tâm, do nguồn cung mới đến từ những khối đế bán lẻ được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian này.