Mặt bằng, thủ tục cản trở dự án giao thông trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh
Giám sát tại các công trình giao thông trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) là dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) cùng các dự án đường vành đai 2 phía Đông, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lo lắng về khả năng các dự án này tiếp tục chậm trễ.
Sáng 28/5, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, dẫn đầu đã tổ chức giám sát tiến độ và hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Đoàn đã đến thực địa tại các công trình nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2), dự án xây đoạn kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông (quận 9) và dự án đường vành đai 2, từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Tại các công trình trọng điểm này, đồng chí Nguyễn Thị Lệ bày tỏ không yên tâm vì tiến độ thực hiện chậm trễ, có nơi chưa thể triển khai thực hiện, kể cả công tác giải phóng mặt bằng.
Không yên tâm vì dự án chậm trễ
Tại nút giao Mỹ Thủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ hoan nghênh chủ đầu tư tổ chức thi công hạng mục cầu Mỹ Thủy 3 trong mùa dịch Covid-19, đồng thời đề nghị tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà thầu (nếu phát sinh) để đẩy nhanh tiến độ hạng mục này cũng như toàn dự án.
Trước các vướng mắc, đặc biệt là vướng mặt bằng, bà Nguyễn Thị Lệ đặt vấn đề rằng, các đơn vị liên quan có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ ra sao. Tương tự, đối với những vướng mắc khác, chủ đầu tư, đơn vị thi công cùng chính quyền địa phương chủ động có những giải pháp tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ như thế nào nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, sớm đưa vào khai thác.
Nút giao Mỹ Thủy là một trong những điểm nóng về kẹt xe và tai nạn giao thông. Do đó, quận 2 kiến nghị Sở KH-ĐT hướng dẫn địa phương và tham mưu UBND TP trình HĐND TP điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án bồi thường. Từ đó, quận được bố trí vốn để tổ chức bồi thường, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công”, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng bày tỏ.
Báo cáo với đoàn về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án nút giao Mỹ Thủy, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết do phải điều chỉnh đơn giá bồi thường cũng như tăng số lượng bồi thường (do quy mô dự án tăng - PV), quận đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án bồi thường từ 504 tỷ đồng lên thành 1.029 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải không yên tâm khi chỉ rõ, con số 1.029 tỷ đồng được xác định cách đây 2 năm, nên có khả năng sẽ còn thay đổi. Cùng quan tâm nội dung này, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình cũng đề nghị các đơn vị liên quan thận trọng, rà soát chặt chẽ quy định của pháp luật khi thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Nguyễn Vĩnh Ninh (đại diện chủ đầu tư), cho rằng khi hoàn thiện, nút giao Mỹ Thủy có 4 tầng. Hiện nay, một số hạng mục của dự án đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có hầm chui từ đường vành đai phía Đông rẽ trái vào hướng cảng Cát Lái. Song, dự án đang gặp vướng mặt bằng, một số hạng mục vẫn chưa được xây dựng, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn hàng năm, đặc biệt ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Chia sẻ với lo lắng của chủ đầu tư, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án nút giao thông Mỹ Thủy, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo sự thông suốt của các trục đường chính Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và Vành đai 2. Ghi nhận sự cố gắng của chủ đầu tư, chính quyền địa phương đã đưa một số hạng mục của dự án vào khai thác, nhưng đồng chí đánh giá, dự án thực hiện khá chậm.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phân tích, sự chậm trễ này gây nhiều hệ lụy, như làm tăng tổng mức đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (từ 504 tỷ đồng lên thành 1.029 tỷ đồng). Đồng thời, dự án kéo dài ngày hoàn thành còn gây nhiều ảnh hưởng đến người dân, đó không chỉ là việc đi lại mà còn là vấn đề môi trường.
Lo lắng sự thay đổi của quy định pháp luật dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tiếp tục làm chậm trễ dự án, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở KH-ĐT rà soát lại quy định pháp luật, nhất là Luật Đầu tư công mới để tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư chặt chẽ. Đồng thời, chủ đầu tư dự án cũng cần chủ động phối hợp với các sở - ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án.
Gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để đẩy tiến độ
Cũng trong ngày 28-5, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cùng đoàn thực hiện giám sát tiến độ thực hiện các đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái) qua quận 9, quận Thủ Đức và đoạn 3 dự án đường Vành đai 2, từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức).
Liên quan đến dự án vành đai 2 (dài 64km), ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Sở GTVT, cho biết hiện vẫn còn 4 đoạn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Riêng đoạn 3 từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng, nhà đầu tư đang thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Tuy nhiên, khi nào dự án hoàn thành vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước cùng các đại biểu khác đều nhận định, tiến độ thực hiện các đoạn này là quá chậm, trong đó có đoạn đang trong giai đoạn tiền khả thi, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Vướng mắc được chỉ rõ là pháp luật thay đổi, TPHCM phải điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án theo hình thức PPP sang sử dụng vốn ngân sách. Song, các đại biểu cũng cho rằng có những lý do chủ quan dẫn đến sự chậm trễ này.
Riêng với đoạn 3 đang được thi công, vướng mắc về mặt bằng tiếp tục lặp lại. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ, trong thời gian qua, quận đã báo cáo, được TP hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết nhiều trường hợp nhưng hiện vẫn còn 42 trường hợp chưa bồi thường, thu hồi đất.
Trước đó, báo cáo với đoàn tại công trình đoạn 3 đường vành đai 2, đại diện chủ đầu tư còn cho biết đã nhận được 64% mặt bằng và đã triển khai thi công ở những nơi có mặt bằng. Đến nay, chủ đầu tư đã ứng kinh phí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình với tổng số tiền 1.400 tỷ đồng. Mặt dù hợp đồng BT được ký từ năm 2016, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa được thanh toán các khu đất (theo hợp đồng BT). Điều này gây ra nhiều khó khăn cho chủ đầu tư, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thi công.
Chia sẻ với khó khăn của chủ đầu tư, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét, số vốn chủ đầu tư đã chi rất lớn. Theo nguyên tắc khi thực hiện dự án BT, chính quyền phải giao đất (thanh toán - PV) cho chủ nhà đầu tư. Song hiện nay, do pháp luật thay đổi nên kế hoạch thanh toán cho nhà đầy tư bị ảnh hưởng. Vì vậy, đồng chí đề nghị Sở KH-ĐT phối hợp rà soát lại các quy định pháp luật để báo cáo UBND TP, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Dự án này được phê duyệt, thực hiện trước khi có Luật Đầu tư công mới”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh và đề nghị các sở - ngành liên quan cùng UBND TP quan tâm tháo gỡ khó khăn, nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Điều này cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ dự án.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng ghi nhận nỗ lực của UBND quận Thủ Đức trong việc tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng cho đoạn 3 dự án vành đai 2. Trước những vướng mắc đang tồn tại, đồng chí lưu ý quận Thủ Đức tiếp tục chủ động phối hợp các sở - ngành để báo cáo UBND TP kịp thời tháo gỡ về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là việc tích cực vận động người dân thực hiện việc di dời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án.
Đối với các đoạn 1, 2 của dự án vành đai 2, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, nhưng hiện Bộ KH-ĐT đã có hướng dẫn tháo gỡ. Vì vậy, đồng chí đề nghị Sở GTVT chủ động phối hợp với các sở - ngành liên quan nhanh chóng tham mưu UBND TP điều chỉnh đồ án quy hoạch và trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các đoạn này, góp phần khép kín dự án vành đai 2 theo quy hoạch.