"Mẹo" vay được vốn của doanh nghiệp nhỏ
(Tài chính) Bám càng doanh nghiệp (DN) lớn uy tín, nhờ ngân hàng thu xếp 3 bên, mượn người thân thế chấp tài sản... là những cách linh hoạt giúp DN nhỏ tiếp cận thành công nguồn vốn ngân hàng.
Nhiều cách hay để các DN nhỏ có thể "mở" được kho quỹ ngân hàng được chính các DN bày cho nhau và ngân hàng vẽ cách tại tọa đàm do Câu lạc bộ (CLB) DN trẻ 2030 tổ chức.
DN có 4 năm trả nợ tốt được vay tín chấp
Ông Võ Minh, Giám đốc công ty TNHH Anh Minh Thành (chuyên về hoạt động in bao bì) cho biết, hiện công ty đã vay vốn của Vietcombank Bình Dương thế chấp bằng nhà đất. Đến nay, để tăng công suất hoạt động nên DN tính mở rộng xưởng sản xuất và vay thêm vốn của Vietcombank Bình Dương, thế chấp bằng máy móc thiết bị và đất nông nghiệp nhưng không được.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc HDBank chi nhánh Nguyễn Trãi, hiện ngân hàng chỉ cho vay nếu khách hàng có tài sản thế chấp (TSTC) có tính thanh khoản cao như nhà, đất có vị trí đẹp, trung tâm. Còn ngân hàng rất ngại những TSTC là đất nông nghiệp và đất rừng, vì giá trị thấp và mua bán rất chậm khi thị trường BĐS đang đóng băng hiện nay. Còn máy móc thiết bị sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng, nhưng cũng rất khó thế chấp và thẩm định rất khó khăn.
Không vay vốn được bằng TSTC, ông Nguyễn Ngọc Hà bày cách cho công ty Anh Minh Thành nên thế chấp các khoản phải thu của DN cho ngân hàng. Đây là một dạng tín chấp bằng dòng tiền mà hiện nay nhiều ngân hàng đang triển khai.
Để gỡ khó cho DN, hiện HDBank Nguyễn Trãi chấp nhận cho vay tín chấp đối với những khách hàng của mình có lịch sử trả nợ tốt trong 04 năm gần nhất.
Tìm vốn thông qua hợp đồng 3 bên
Ông Nguyễn Hưng, Trợ lý Giám đốc công ty HT –Comnet gợi ý một phương án, đối với những DN mới hoạt động rất cần vốn nhưng đến ngân hàng lại không vay được vì tài sản thiếu, uy tín chưa có… Ngân hàng có thể đứng ra làm môi giới cho những DN này với những người có tiền nhàn rỗi. Như vậy, DN thiếu vốn sẽ được vay và người có tiền dư sẽ được cho vay với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng. Ngân hàng cũng được lợi vì họ sẽ có phí trung gian hoặc thu được các loại phí thông qua các dịch vụ ngân hàng mà DN sử dụng.
Tuy nhiên, Giám đốc HDBank chi nhánh Nguyễn Trãi chia sẻ, ngân hàng cũng đã đứng ra kết nối vốn như thế này nhiều rồi, nhưng người có tiền họ ngại vì ngân hàng không dám cho vay làm sao họ dám. Và đối với những DN chấp nhận trả lãi suất cao để được vay thì ngân hàng hay khách hàng cũng e dè.
Còn ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch CLB DN 2030 hiến kế, có một giải pháp về vốn cho DN trong giai đoạn đầu hoạt động mà chưa có uy tín với ngân hàng, đó là nhờ những người thân có tài sản đứng ra bảo lãnh vay vốn cho DN.
Vay vốn nhờ "bám càng" đối tác lớn
Trong kinh doanh niềm tin là quan trọng, hiện ngân hàng vẫn cho vay những tập đoàn, Tổng công ty lớn, những DN có uy tín với ngân hàng vay tín chấp.
Như vậy, nếu DN nào là đối tác của những DN lớn uy tín như: Vinamilk, Universal Việt Nam… thì ngân hàng có thể cho vay vốn tín chấp cho DN đó thông qua thế chấp khoản phải thu.
Vừa rồi, HDBank Nguyễn Trãi đã giải ngân 12 tỷ đồng cho một DN mà TSTC chính là khoản phải thu của DN cho một đối tác uy tín lớn.
Đề cập đến vấn đề thiếu vắng niềm tin giữa DN và ngân hàng hiện nay, đại diện công ty Đại Thiên Long nhận định, niềm tin giữa ngân hàng và DN đang giảm sút trầm trọng. Chẳng hạn, năm 2006 Vietcombank cho chúng tôi vay hạn mức 06 tỷ đồng rất đơn giản. Nhưng nay chúng tôi muốn tăng hạn mức lên 09 tỷ thì phải chứng minh rất nhiều thứ, rất phức tạp và mất thời gian mà chưa xong. Vậy thì khi nào ngân hàng mới có niềm tin vào DN?
Ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, do khủng hoảng kinh tế những năm qua đã làm mất lòng tin rất nhiều giữa các bên với nhau. DN không trả được nợ, ngân hàng gánh nợ xấu… nên hiện nay điều kiện cho vay rất chặt chẽ khiến nhiều DN không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Vì hiện nay không đơn giản DN có TSTC là có thể vay vốn, mà phải có phương án kinh doanh hiệu quả, dòng tiền tốt…
Ngoài ra, thời gian qua, các DN Việt cũng đã lợi dụng vốn vay để lấn sân sang các lĩnh vực khác rất nhiều, nhất là bất động sản. Việc đổ nợ chủ yếu đến từ việc đầu tư trái ngành chính của DN.
Bên cạnh đó, nhiều DN chỉ tập trung vào xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường trong nước. Đến khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra hoặc nước nhập khẩu áp chống bán phá giá, cấm nhập khẩu… khiến DN lao đao.
Do vậy, bài học cho DN là cần bám chắc thị trường trong nước để hậu đỡ. Khi DN có thị trường ổn định, chiến lược bài bản, phương án tốt thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay.
Còn việc lấy lại niềm tin lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là thị trường trong nước, thị trường thế giới tốt lên. Khi đó, DN làm ăn được, trả được nợ thì niềm tin sẽ khôi phục.