Minh bạch giá sẽ tạo đồng thuận với người tiêu dùng
(Tài chính) “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - nhìn từ giá xăng và giá điện” là mục tiêu của Chính phủ trong suốt thời gian qua và cũng là chủ đề của buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 16/3 - đúng thời điểm giá điện chính thức được điều chỉnh tăng 7,5% và giá xăng cũng được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít trước đó 5 ngày.
Tại cuộc tọa đàm, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia kinh tế cho thấy, cơ sở để tạo sự đồng thuận đối với người tiêu dùng chính là công khai và minh bạch giá.
Khẳng định yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó, giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo cơ chế thị trường nhưng phải minh bạch, theo Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, việc điều chỉnh tăng giá điện và giá xăng dầu trong khoảng thời gian gần nhau cũng đã được tính toán đến những tác động tới thị trường, nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 và 4.
Cụ thể về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Võ Văn Quyền khẳng định, hoàn toàn tuân thủ các quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ. Giá xăng hiện nay đã đi theo giá thị trường, phản ánh đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, nhất là theo giá thế giới. Công thức, biên độ, thời gian điều chỉnh được quy định rõ trong Nghị định 83.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá điện, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, việc tính toán tăng giá điện đã được cân nhắc kỹ lưỡng các phương án. Trên thực tế, từ 1.8.2013 đến trước ngày 16.3.2015, nhiều thông số đầu vào trong cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện có biến động tăng. Theo các quyết định của Chính phủ về điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, nếu có biến động tăng giá từ 7 - 10% thì EVN sẽ xây dựng phương án giá. Nhưng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như mức độ tiêu dùng của nhân dân nên giá điện đã được giữ ổn định gần 2 năm qua. Với việc điều chỉnh tăng giá điện lần này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đây là phương án thấp nhất trong các kịch bản đã đưa ra và cũng đã có đến các tác động đến chỉ số tăng trưởng GDP, CPI.
Công khai, minh bạch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các mặt hàng còn mang tính đặc thù, có tính nhạy cảm và tác động mạnh tới thị trường và người tiêu dùng như than, điện, xăng, dầu... là yêu cầu tiên quyết để tạo lập lòng tin, sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm có được một thị trường cạnh tranh cho tất cả các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng có sử dụng các nguồn năng lượng này. Thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này về việc tăng cường công khai, minh bạch và đã có nhiều cải thiện đáng kể, khi chưa nhận được sự đồng thuận cao, nghĩa là phải được thực thi mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Và những đóng góp của chuyên gia kinh tế, Ts Ngô Trí Long về việc cần thiết phải có những tổ chức độc lập tư vấn cũng như thẩm định về giá điện, hay việc sử dụng đúng mục đích các nguồn thu từ thuế xăng dầu… rất đáng được lưu tâm, nghiên cứu trong điều hành chính sách của Nhà nước.