Minh bạch thông tin để chặn "sốt đất" ảo

Theo Duy Khánh/doanhnhansaigon.vn

Để xử lý những rủi ro từ thông tin "ảo", thông tin giả (hoặc thông tin nửa đúng nửa sai) do giới đầu cơ, môi giới, cò đất tung ra nhằm đánh lừa nhà đầu tư và người mua nhà, UBND TP. Hồ Chí Minh đang xúc tiến xây dựng đề án "TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của cả nước và khu vực".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tám loại thông tin ảo

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), năm 2017 và 2018 thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều đợt sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp. Thủ phạm chính là giới đầu nậu và cò đất đã tách thửa, phân lô tràn lan, không đúng quy định.

Họ cung cấp những thông tin giả (hoặc thông tin nửa đúng nửa sai) về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị mới... trên các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là mạng xã hội và các trang thông tin điện tử để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường để trục lợi, đẩy rủi ro về cho người tiêu dùng chân chính.

Theo một khảo sát do Công ty Dịch vụ bất động sản Propzy với 26 trung tâm giao dịch trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện, có 8 loại thông tin "ảo" mà giới môi giới thường tung ra để thu hút sự chú ý của người mua, gồm đăng tin giả mạo, giới thiệu là chính chủ nhưng thật ra là môi giới, môi giới chuyền tay nhau nhiều lần mới dẫn đến người mua thật, cung cấp địa chỉ không chính xác, đăng tải hình ảnh không giống với thực tế sản phẩm, giá rao bán rất thấp so với giá bán thật, mô tả sai bản chất nhà đất, quảng cáo các bất động sản đã cầm cố hoặc cố tình tạo giao dịch giả.

Không chỉ mất thời gian hay khó chịu, nhiều trường hợp người mua còn bị "tiền mất, tật mang" trước những trường hợp người đăng bán cố tình lừa đảo. Thống kê của Propzy cho thấy, đa phần khách hàng mua nhà đất lần đầu đều gặp rắc rối. Trong đó, có 20% người mua bị mất tiền cọc, 30% mua hớ giá, 35% mua phải nhà đang bị tranh chấp hoặc vướng quy hoạch.

Một số trường hợp còn mua phải căn nhà đã bán cho nhiều người trước đó, bị làm giả sổ hồng hoặc sổ hồng đang thế chấp ngân hàng. Phía người bán cũng bị thiệt hại khi bị dàn cảnh yêu cầu đền cọc hàng trăm triệu đồng, bị đóng giả người mua để ép giá hoặc bị lừa mất nhà và vướng vào kiện cáo, tranh chấp triền miên.

Ông Marc Townsend - Tổng giám đốc CBRE Khu vực châu Á cho biết, tình trạng này được gọi là "thông tin bất cân xứng" trên thị trường bất động sản. Cả bên người mua lẫn người bán đều bị quay cuồng vì lượng thông tin quá lớn và không có nhiều biện pháp kiểm chứng tính thật - giả của chúng.

"Sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản khiến khách hàng trở thành nạn nhân. Tại các thị trường phát triển như Mỹ, hiện tượng này không còn tồn tại, nhờ vào sự đóng góp của công nghệ số. Ứng dụng công nghệ vào bất động sản đã giúp cho thị trường trở nên minh bạch, giao dịch an toàn và dữ liệu đáng tin cậy hơn" - ông Marc nhận định.

Minh bạch thông tin

Tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan để xem xét xúc tiến xây dựng đề án TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của cả nước và khu vực, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, thời gian qua việc cung cấp thông tin về bất động sản chưa được quan tâm đúng mức.

Người dân, doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận thông tin các dự án, dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư cung cấp thông tin không chính xác, gây thiệt hại cho người dân. Để cho thị trường phát triển ngày càng lành mạnh, bền vững, Thành phố cần xây dựng đề án thành lập trung tâm dịch vụ bất động sản.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc thành lập trung tâm sẽ giúp giới thiệu các vấn đề liên quan đến bất động sản như thông tin quy hoạch, pháp lý dự án, tiến độ. Các thông tin này do chính các sở, ngành liên quan của Thành phố cung cấp nên có độ chính xác, nhanh chóng, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng nhất, tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, mua bán nhà đất để an cư. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) được giao làm đầu mối nghiên cứu xúc tiến xây dựng đề án nói trên.

Đánh giá về chủ trương này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, đề án TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản hiện chỉ có cái tên, chưa có bất cứ nội dung, thông tin, lộ trình gì cụ thể và đang đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên mà ông Châu đưa ra khi muốn thực hiện dự án đó là vấn đề ngân sách. Để xây dựng được trung tâm nói trên cần phải có tiền, không có tiền thì đề án sẽ vẫn chỉ là đề án.

Nếu giải quyết được vấn đề về tài chính, sau đó sẽ đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào. Việc này phải được thực hiện một cách khoa học, bằng cách thu thập thông tin theo thời gian thực từ các nguồn chính như sở, ban, ngành của Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để hình thành nguồn dữ liệu lớn (big data). Sau đó, bằng công nghệ, trung tâm sẽ chọn lọc, đưa ra những thông tin quan trọng và cần thiết cho các nhu cầu khác nhau từ doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Châu, muốn làm được tất cả điều đó, trung tâm phải có hạ tầng cơ sở thông tin tốt, các phương tiện máy móc, công nghệ hiện đại, như internet băng thông rộng, máy chủ đủ mạnh... Đồng thời phải có nhân sự trình độ chuyên môn cao để có thể vận hành chúng. Và cả hai nguồn lực kể trên đều ngốn rất nhiều tiền. Ông Châu cũng giải thích, sở dĩ ông phải nhấn mạnh về chuyện phải thu thập thông tin theo "thời gian thực" là bởi đó là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của trung tâm dịch vụ này.