“Mở cao tốc” cho kinh tế tư nhân: Từ chủ trương đến hành động thực chất
Nghị quyết số 68/NQ-TW được coi là một dấu mốc mang tính lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Nhưng để nghị quyết này không chỉ dừng lại ở tầm nhìn hay nguồn cảm hứng nhất thời, mà thực sự trở thành động lực dài hạn, nhiều hành động cụ thể cần được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trong thời gian tới.
Từ chính sách đến thực tiễn
Chia sẻ về quá trình xây dựng Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị tại tọa đàm “Mở cao tốc" cho kinh tế tư nhân, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết, nhiều chính sách trong Nghị quyết không phải bây giờ mới đề cập mà từng được nêu trong quá trình nghiên cứu chính sách trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, chính sách chưa “chạm” với vấn đề của doanh nghiệp. Hệ thống luật pháp và các quyết định hỗ trợ doanh nghiệp, từ chuyển giao công nghệ đến đầu tư, vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt, vì chưa có sự đồng bộ hoặc thiếu quyết tâm thực thi ở cấp địa phương.
Và đến Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đánh dấu bước thay đổi tư duy mạnh mẽ từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “nhà nước lớn” sang “phục vụ lớn”, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu. Đặc biệt, nội dung không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, vốn đã được đề cập từ lâu, nhưng chưa thực sự áp dụng rộng rãi, nay được nhấn mạnh như một yêu cầu cấp thiết, nhằm tạo sự yên tâm cho khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhấn mạnh, mọi cuộc cải cách lớn đều gặp khó khăn trong khâu thực thi. Việc chuyển từ tư duy cũ sang cách làm mới sẽ tác động mạnh tới thói quen và tâm lý cán bộ ở nhiều cấp. Nhưng nếu không hành động ngay, cơ hội sẽ trôi qua và niềm tin của doanh nghiệp sẽ tiếp tục xói mòn.
“Mọi cuộc cách mạng đều khó khăn và đau đớn khi thực thi, tác động thói quen hằng ngày của cán bộ. Thời cơ đến, nếu không làm, sẽ bỏ lỡ và có tội với dân với nước”, bà Bùi Thu Thuỷ nhấn mạnh.
Thể chế hóa là bước quyết định
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định rằng, điểm then chốt là thể chế hóa tinh thần Nghị quyết thành các chính sách cụ thể, có hiệu lực trong thực tiễn. Nếu không sửa đổi luật, loại bỏ quy định chồng chéo, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, thì Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ chỉ dừng lại ở văn bản.
Thực tế đã cho thấy một bước chuyển nhanh chóng: Chỉ 11 ngày sau khi Nghị quyết số 68/NQ-TW được ban hành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân - văn bản pháp lý đầu tiên cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Các chính sách miễn, giảm thuế, cải cách đấu thầu, đơn giản hóa thanh tra, kiểm tra đã được đề cập với lộ trình rõ ràng.
Đặc biệt, Nghị quyết 198 đặt ra yêu cầu cụ thể: Đến hết năm 2025, phải hoàn thành việc loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Theo ông Hiếu, tỷ lệ này hoàn toàn có thể cao hơn thậm chí đạt 60-70% nếu quyết tâm chính trị được đẩy mạnh ở mọi cấp.
Không chỉ cho “xe lớn” đi vào “cao tốc”
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng Nghị quyết số 68/NQ-TW mang đến luồng gió mới, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang chiếm đa số. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, không chỉ dừng lại ở việc mở đường, mà cần có “biển báo”, “hướng dẫn sử dụng” rõ ràng, để mọi doanh nghiệp không phân biệt quy mô, đều có thể hòa mình vào “cao tốc” phát triển.
Đại diện VINASME đề xuất nên có một nghị quyết hoặc chính sách riêng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Họ cần một hành lang pháp lý riêng, được bảo vệ, hỗ trợ, và tạo điều kiện để phát triển bài bản. Truyền thông cũng là một mảnh ghép không thể thiếu - không chỉ để phổ biến nghị quyết mà còn lan tỏa những mô hình thành công, giúp các doanh nghiệp nhỏ học hỏi và tự tin chuyển mình”, ông Hùng nhận định.
Địa phương cần có chỉ tiêu cụ thể
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI, Nghị quyết số 68-NQ/TW là cơ hội vàng để cải cách, nhưng việc đưa chính sách vào cuộc sống cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp và đồng hành từ các cấp chính quyền.
Ông Tuấn cho rằng, mỗi bộ, ngành nên có sáng kiến cải cách riêng để đồng hành cùng doanh nghiệp. Mỗi địa phương cần có chỉ tiêu cụ thể trong việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thậm chí nên xem đó như một chỉ tiêu thi đua trong đánh giá năng lực lãnh đạo.
“Mỗi Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cần có mục tiêu rõ ràng: Làm sao thu hút được nhiều doanh nghiệp mới, làm sao tạo môi trường để doanh nghiệp hiện hữu phát triển? Đó là cách để Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực phát triển chứ không phải chỉ là một khẩu hiệu”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ là một văn bản chính trị, mà là lời cam kết mạnh mẽ về thay đổi tư duy, cải thiện thể chế và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Nhưng để biến “cao tốc” thành hiện thực, không thể chỉ có ý chí ở Trung ương, mà cần sự đồng hành, nỗ lực và chủ động từ các bộ, ngành, địa phương và chính cộng đồng doanh nghiệp.
Chỉ khi đó, Nghị quyết mới thực sự là động lực chiến lược để kinh tế tư nhân bứt phá, đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình phát triển bền vững của đất nước.