Mở đường xuất khẩu rau quả vào châu Âu: Kinh nghiệm từ vải thiều

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tháng 6/2021, lần đầu tiên vải thiều xuất chính ngạch vào EU từ Cộng Hòa Séc sau đó là Pháp, Bỉ, Hà Lan.

Vải thiều đóng hộp xuất khẩu - Ảnh minh họa
Vải thiều đóng hộp xuất khẩu - Ảnh minh họa

EVFTA tạo điều kiện thuận lợi cho vải Việt Nam chinh phục 27 quốc gia trong khối EU có tiếng khắt khe về an toàn thực phẩm. 

Phải sau 3 năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục, điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên được công ty Cổ phần Pacific Foods chính thức xuất khẩu sang thị trường EU thông qua Cộng Hòa Séc vào chiều ngày 7/6/2021.   

Ông Chung Trí Phong, Tổng giám đốc công ty CP Pacific Foods cho biết, sau khi vào Cộng Hòa Séc vào ngày 13/6 gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà được nhập khẩu vào thị trường Pháp qua cảng hàng không Charles de Gaulle, vào ngày 17/6 có thêm gần 1 tấn vải thiều nữa hạ cánh xuống sân bay Siboney ở Hà Lan. Tất cả các lô vải thiều xuất khẩu vào EU đều được dán tem truy suất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại thực hiện. 

Đây là một trong nhưng tiêu chí quan trọng giúp tạo được niềm tin của người tiêu dùng châu Âu về an toàn thực phẩm.

Bà Quỳnh Phương, chủ công ty ACEM (Paris) sở hữu trang bán hàng điện tử Chợ Việt-Pháp nhận xét, nhờ có tem truy suất nguồn gốc nên người tiêu dùng có thể tiếp cận thông tin của nhà sản xuất, quy trình chế biến hay chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu … Toàn bộ quá trình bao gồm bảo vệ môi trường, thu hoạch, đóng gói đều được hiển thị nhờ có tem truy suất nguồn gốc do Bộ Công Thương Việt Nam cấp.

Vải Thanh Hà khi đến tay người tiêu dùng ở Pháp luôn giữ được chất lượng thơm ngon, và để đạt được chất lượng sản phẩm như vậy là cả một quá trình dài. 

Theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, để đáp ứng yêu khắt khe, địa phương đã định hướng cho người nông dân phải giám sát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc BVTV … để đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng thị trường xuất khẩu. 

“Theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đã giúp định hướng cho người nông dân và chính quyền từ huyện đến tỉnh cần phải có bộ phận giám sát, và thuê các đơn vị giám sát để đảm bảo hướng dẫn, giám sát quá trình từ lúc vải ra hoa đến thu hoạch. 

Đặc biệt, đảm bảo dư lượng thuốc BVTV trong quả vải để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu là rất quan trọng. Qua những lần giám sát, đánh giá khi test thử tất cả những vùng trồng vải thiều xuất khẩu của Thanh Hà đều đạt”, bà Thúy Hà chia sẻ.

Tại một số thị trường EU, vải thiều Thanh Hà có dán tem truy suất nguồn gốc được bán với nhiều mức giá, từ 15 - 30 euro/kg, thậm chí một số siêu thị trong hệ thống Carrefour ở Brussel (Bỉ) bán đến 25 euro/kg, tuy được đánh giá về chất lượng nhưng đây mức giá cao gấp 3 lần so với vải nhập khẩu từ Madagascar hay Nam Phi được bán rộng rải ở châu Âu vào dịp cuối năm.

“Mức giá này không hề thấp so với các loại quả khác nhưng do vải Việt Nam có vụ mùa rất ngắn và được vận chuyển bằng đường hàng không nên giá như vậy là hoàn toàn phù hợp với thị trường EU. Với tư cách là nhà phân phối bán lẻ, tôi cho rằng vải của Việt Nam về mặt chất lượng thì rất tốt nhưng về mẫu mã bao bì cần chú trọng cải tiến đến bao bì hơn để nâng giá trị quả vải lên”, bà Quỳnh Phương nhận xét.

Chỉ trong khoảng 3 - 4 ngày cửa hàng của bà Quỳnh Phương đã bán được 500 kg vải thiều Thanh Hà do công ty Rồng Đỏ xuất khẩu. Đây là con số không hề nhỏ nhưng chủ yếu chỉ bán cho cộng đồng người Việt tại Pháp.

“Hiện vải thiều chỉ mới bán trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Tôi tin rằng với chất lượng thơm ngon trong tương lai vải thiều Việt Nam sẽ được đón nhận nhiệt tình, và có tiềm năng rất lớn để vào các siêu thị tại Pháp. Khi đã vào được các siêu thị tại Pháp rồi thì người dân Pháp có thể tìm mua vải dễ dàng hơn, như vậy sẽ thuận lợi cho họ hơn và tất cả người dân Pháp có thể thưởng thức quả vải của Việt Nam”, bà Phương chia sẻ.

Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc 

Theo bà Thúy Hà, vụ vải năm 2021 huyện Thanh Hà cũng như cả tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên để chuẩn bị tốt cho mùa vải này trước đó, chính quyền huyện đã phối hợp với các sở ngành của tỉnh và đặc biệt năm nay tỉnh đã có những định hướng cụ thể là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngay trong tháng 5. 

Một hội nghị kết nối với hơn 20 điểm cầu của các nước trên thế giới đã giúp cho người tiêu dùng trên thế giới và các doanh nghiệp xuất khẩu đến với Thanh Hà, kết nối và thu mua vải cho bà con.

Còn nhớ vào tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trong nước, Trung Quốc đã nhanh chóng thắt chặt kiểm soát biên giới để chống dịch, khiến hàng nông phẩm bị ùn tắt ở cửa khẩu biên giới Việt - Trung, nhiều chiến dịch giải cứu nông sản được người Việt Nam hưởng ứng, vì hơn 60% sản lượng rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, từ năm 2015, Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, nhắm đến nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản hay Singapore… 

Tuy nhiên, nếu muốn duy trì chiến lược xuất khẩu rau quả nói chung và vải thiều nói riêng thường xuyên vào EU - nơi vải thiều nhận được phản hồi tích cực và tránh phục thuộc vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam cần định hướng cho người nông dân về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV phù hợp với tiêu chí của thị trường khó tính, xuất khẩu số lượng lớn với giá cả phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh.