Mô hình lý thuyết các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính các ngân hàng niêm yết
Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa khu vực tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế. Các ngân hàng càng có hiệu quả tài chính cao thì lợi thế cạnh tranh càng tốt. Việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính sẽ nhằm xác định nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động hệ thống ngân hàng. Bài viết này ước lượng các yếu tố tác động đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giới thiệu
Là tổ chức trung gian tài chính, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa khu vực tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế. Các ngân hàng ngày càng bị cạnh tranh bởi các trung gian tài chính phi ngân hàng. Tuy nhiên, sự gia tăng sức ép cạnh tranh sẽ tác động đến ngành ngân hàng như thế nào còn phụ thuộc một phần vào khả năng thích nghi, hiệu quả hoạt động và đặc biệt là hiệu quả tài chính của chính các ngân hàng trong môi trường mới.
Các ngân hàng không có khả năng cạnh tranh sẽ bị thay thế bởi các ngân hàng mạnh hơn. Điều này cho thấy, các ngân hàng càng có hiệu quả tài chính cao thì lợi thế cạnh tranh càng tốt. Hiệu quả tài chính trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tồn tại trong môi trường cạnh tranh. Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Các nghiên cứu trước đều cho rằng, hiệu quả tài chính có thể được đo lường bởi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) (Phan Thị Hằng Nga và công sự, 2022; Nguyễn Việt Hùng, 2008), hoặc đo lường bằng biên lãi ròng (Đỗ Huyền Trang, 2021). Mỗi quốc gia đều cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp lý và năng lực quản trị nhằm duy trì cho hệ thống ngân hàng phát triển lành mạnh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính, Đặng Thị Minh Nguyệt và cộng sự (2021) cho rằng, quy mô ngân hàng có tác động ngược chiều, năng suất lao động có tác động cùng chiều lên lợi nhuận của ngân hàng. Hơn nữa, khả năng huy động vốn trên vốn chủ sở hữu có tác động ngược chiều, trong khi lạm phát không có tác động tới lợi nhuận của ngân hàng.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Việt Hùng (2008), ngân hàng có thể chịu tác động bởi nợ xấu và khả năng cho vay. Nguyễn Đình An và Tô Thị Hồng Gấm (2021) cho rằng, quy mô ngân hàng, khả năng cho vay và cơ cấu vốn có tác động đến hiệu quả tài chính của ngân hàng. Điều này được khẳng định qua nghiên cứu của Panayiotis Athanasoglou và cộng sự (2005), theo đó, năng suất lao động, rủi ro tín dụng, chi phí quản lý và tính chất sở hữu có tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh trong ngân hàng tại Hy Lạp.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng đại dịch COVID-19 cũng đã làm cho mô hình hoạt động của ngân hàng bị thay đổi.Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng các nhân tố này đến hiệu quả tài chính của ngân hàng chưa hoàn toàn được thực hiện trong giai đoạn mới. Đây là cơ sở hình thành nên nghiên cứu này.
Tổng quan nghiên cứu
Các nghiên cứu trong nước
Có nhiều nghiên cứu về hiệu quả hoạt động, hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam như: Phan Thị Hằng Nga và cộng sự (2022) nghiên cứu bộ dữ liệu của 21 ngân hàng giai đoạn 2012–2021, đặc biệt khi hoạt động ngân hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tác giả cho rằng, hiệu quả kinh doanh của các NHTM được đo lường bởi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, năng lực quản trị chi phí rủi ro tín dụng, đồng thời đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị các nhà quản trị cần có giải pháp phù hợp để cải thiện hiệu quả kinh doanh khi dịch còn có khả năng kéo dài nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19.
Đặng Thị Minh Nguyệt và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Nhà nước (NHTMNN)thông qua bộ dữ liệu của 4 ngân hàng: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank từ năm 2005 đến 2020. Trong nghiên cứu này, các ngân hàng có hiệu quả được đo lường qua tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản trung bình ̣(ROAA) và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu trung bình (ROEA). Kết quả nghiên cứu chỉ ra chiều tác động của các biến lên ROAA và ROEA là như nhau; quy mô ngân hàng (BASZ) tác động ngược chiều lên ROAA và ROEA; năng suất lao động (PROD) tác động cùng chiều lên ROAA và ROEA. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra chỉ tiêu huy động vốn trên tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng tác động ngược chiều đến ROEA của các NHTM có vốn Nhà nước chi phối trong thời gian qua; tỷ lệ nợ xấu tác động ngược chiều đến ROAA và ROEA; tỷ lệ lạm phát không tác động tới lợi nhuận ròng trên tổng tài sản, lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu của nhóm ngân hàng này trong thời gian qua.
Nguyễn Việt Hùng (2008) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam bao gồm 32 ngân hàng thương mại (bao gồm NHTMNN, NHTMCP) và ngân hàng liên doanh (NHLD) tại Việt Nam, giai đoạn 2001-2005. Tác giả sử dụng phân tích định tính kết hợp với phân tích định lượng, đặc biệt là phân tích bao dữ liệu DEA và mô hình kinh tế lượng (Tobit) để đánh giá hiệu quả hoạt động và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM ở Việt Nam.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhân tố hay hệ số ước lượng của tỷ lệ tiền gửi - cho vay (DLR) có ảnh hưởng âm đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Điều này có nghĩa là nếu các ngân hàng sử dụng tốt nguồn vốn huy động thì có thể sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động. Tương tự, cho vay so với tổng tài sản có (LOANTA) và biến NPL (nợ quá hạn/tổng dư nợ cho vay) có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Ngược lại, biến phần chia thị trường hay phản ánh sức mạnh thị trường có tác động dương, kết quả này cho thấy phần chia thị trường của các ngân hàng cũng có ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Biến vốn chủ sở hữu/tổng tài sản có (ETA) ước lượng được có tác động dương tới hiệu quả hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng có vốn chủ sở hữu càng mạnh thì lợi thế trên thị trường càng cao, dễ tạo ra lợi nhuận hơn.
Bên cạnh đó, Đỗ Huyền Trang (2021) nghiên cứu bộ dữ liệu của 43 ngân hàng niêm yết của Việt Nam gồm: Nhóm NHTM nhà nước (4 ngân hàng), NHTMCP tư nhân (30 ngân hàng), nhóm ngân hàng nhà nước: ngân hàng 100% vốn nước ngoài (7 ngân hàng), và ngân hàng liên doanh (2 ngân hàng) trong giai đoạn 2015-2020. Nghiên cứu chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến biên lãi ròng của các NHTMCP Việt Nam, tiêu biểu như lựa chọn cấu trúc vốn.
Ngoài ra, còn một số nghiên cứu tiêu biểu khác như lựa chọn cấu trúc vốn có ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính trong ngân hàng. Nghiên cứu của Nguyễn Anh Tú và Phạm Trí Nghĩa (2019) cho rằng, lựa chọn cấu trức vốn có ảnh hưởng đến biên lãi ròng của các ngân hàng...
Các nghiên cứu nước ngoài
Panayiotis Athanasoglou và cộng sự (2006) nghiên cứu hiệu quả kinh doanh của các NHTM Đông Nam Âu giai đoạn 1998 - 2002. Nghiên cứu sử dụng biến độc lập gồm: Vốn/tổng tài sản; dự phòng rủi ro tín dụng/cho vay; năng suất lao động; chi phí quản lý; quy mô ngân hàng; tính chất sở hữu; tỷ lệ lạm phát. Kết quả chỉ ra: Năng suất lao động tác động thuận chiều đến hiệu quả kinh doanh, rủi ro tín dụng tác động ngược chiều lên hiệu quả, chi phí quản lý tác động ngược chiều lên ROA, quy mô ngân hàng không có tác động đến ROA, tính chất sở hữu tác động đến hiệu quả kinh doanh, lạm phát tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Đông Nam Âu.
Ngoài ra, nghiên cứu khác như Gupta, N và Mahakud, J. (2020) nghiên cứu 64 NHTM tại Ấn Độ trong 19 năm (từ 1998-1999 đến 2015- 2016) đã chỉ ra rằng, vốn chủ sở hữu, đa dạng hóa doanh thu, năng suất làm việc nhân viên, tỷ lệ tăng trưởng GDP tác động tích cực lên ROA và ROE, trong khi đó quy mô ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, thu nhập ngoài lãi, chi phí từ lãi, lạm phát có tác động ngược chiều lên ROA, ROE. Một nghiên cứu khác của Berger, A. N. (1995) còn cho rằng có mối quan hệ giữa vốn và thu nhập của ngân hàng.
Schiniotakis (2012) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng (ROA) tại Hy Lạp cho thấy, số nhân viên trên một chi nhánh, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên cho vay, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn có tác động cùng chiều lên ROA trong khi đó quy mô ngân hàng, tỷ lệ nợ quá hạn lại có tác động ngược chiều.
Adelopo (2018) thực hiện nghiên cứu dữ liệu 123 NHTM tại Tây Phi chỉ ra rằng, các biến độc lập thuộc ngành ngân hàng như độ lớn ngân hàng, vốn, rủi ro tín dụng, chi phí quản lý, thanh khoản và các biến khác như thị phần, nhóm biến thuộc vĩ mô có tác động đến hiệu quả tài chính của ngân hàng. Theo Pervan (2015) nghiên cứu tại Croatia thì rủi ro tín dụng, lạm phát có tác động ngược chiều lên ROA, trong khi quy mô ngân hàng thì ngược lại.
Đề xuất mô hình nghiên cứu
Mô hình hồi quy sử dụng biến phụ thuộc ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản), ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn) hoặc NIM (biên độ lãi ròng) được khá nhiều tác giả đi trước sử dụng nghiên cứu. Tác giả tổng hợp các công trình nghiên cứu trong, ngoài nước và đưa ra mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các NHTM niêm yết tại Việt Nam được đo lường thông qua ROA, ROE và NIM như Hình 1.
- Nhóm các nhân tố bên trong ngân hàng gồm: Quy mô ngân hàng ̣(SIZE), vốn chủ sở hữu (CAP), chi phí hoạt động (CIR), tổng thu nhập ngoài lãi (RD), độ tuổi ngân hàng (AGE), tài sản hữu hình (TANG), thị phần (MP). Nguồn số liệu này được thu thập từ báo cáo tài chính có kiểm toán, báo cáo thường niên hàng năm được công bố bởi ngân hàng và các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
- Nhóm các nhân tố bên ngoài ngân hàng gồm: tỷ lệ tăng tưởng (GDP), lạm phát (INF). Các số liệu này được thu thập từ Tổng cục Thống kê được công bố hàng năm.
Nghiên cứu cũng sử dụng các phương pháp phân tích định lượng dữ liệu bảng, làm nền tảng cho thực hiện phân tích hồi quy và đánh giá các mối quan hệ.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Thị Minh Nguyệt, Phạm Thu Trang, Nguyễn Bích Ngọc (2021), Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Ngân hàng, tháng 10/2021;
- Đỗ Huyền Trang, Lê Vũ Tường Vy, Lê Mộng Huyền, Trần Thị Vũ Tuyền (2021), Các yếu tố ảnh hưởng đến biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, tháng 02/2022;
- Phan Thị Hằng Nga và cộng sự (2022), Tác động của COVID-19 đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Trường Đại học Tài chính Marketing, số 68 năm 2022;
- Nguyễn Anh Tú, Phạm Trí Nghĩa (2019), Lãi suất cận biên của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2005-2017 - một nghiên cứu thực nghiệm, Tạp chí ngân hàng, tháng 07/2019;
- Nguyễn Đình An và Tô Thị Hồng Gấm (2021), Yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập lãi cận biên của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 01/2021;
- Nguyễn Việt Hùng (2008), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế quốc dân;
- Athanasoglou, Panayiotis, Delis, Manthos and Staikouras, Christos, (2006), determinants of bank profitability in the South Eastern European region, MPRA Paper, University Library of Munich, Germany, https://EconPapers.repec.org/RePEc:pra:mprapa:10274;
- Adelopo, I., Lloydking, R., & Tauringana, V. (2018), Determinants of bank profitability before, during, and after the financial crisis, International Journal of Managerial Finance.