Mô hình tín dụng chính sách của chúng ta ưu việt hơn thế giới
(Tài chính) Thống đốc cho biết, “Chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước và từng đặt vấn đề có làm được tốt như nước bạn không? Nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập NHCSXH đã cho thấy mô hình của chúng ta còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn các NH trên thế giới để phục vụ người nghèo”.
Nợ quá hạn giảm nhanh hơn lộ trình
Trong hai ngày 19 và 20/1/2015, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NH Chính sách xã hội (NHCSXH) Nguyễn Văn Bình đã có chuyến công tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Sáng 20/1, Thống đốc chủ trì Hội nghị Tổng kết ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ. Cùng chủ trì Hội nghị còn có ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Lê Vĩnh Tân, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH.
Theo báo cáo, NHCSXH đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, còn một số chương trình, dự án khác do UBND cấp tỉnh, huyện ủy thác qua NHCSXH thực hiện theo mục tiêu riêng của địa phương. Đến 31/12/2014, tổng dư nợ tín dụng chính sách cho vùng ĐBSCL là 22.384 tỷ đồng, tăng gấp hơn 14 lần so với năm 2003 (thời điểm thành lập NHCSXH) và chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH.
Đến 31/12/2014, tổng dư nợ của các TCTD tại khu vực ĐBSCL ước đạt 343.463 tỷ đồng, tăng 12,39% so với 31/12/2013, chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống TCTD, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 165.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng khoảng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Sau 3 năm triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại khu vực ĐBSCL, hoạt động của các TCTD trên địa bàn đã có bước tiến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng tín dụng chính sách bình quân hàng năm là 10,76%, đặc biệt tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần từng năm với tốc độ nhanh hơn dự kiến của NH. Đến cuối năm 2014, tổng nợ quá hạn trong vùng là 160 tỷ đồng, giảm đến 74,8% và hiện chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ. Với tốc độ này, chỉ tiêu giảm nợ quá hạn đã hoàn thành trước hạn mà lộ trình Đề án đặt ra là đến cuối năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn giảm còn 1,31%.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết: Chủ trương của NHCSXH là tiếp tục tập trung nguồn lực cho vùng Tây Nam bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Vĩnh Tân khẳng định, Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao hoạt động của NHCSXH, là mô hình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
“Cho người nghèo vay yên tâm bởi rất hiệu quả”
Mô hình của NHCSXH là hoạt động có vay có trả. Hay nói cách khác là có tính thị trường nhưng không hoàn toàn là thị trường mà có cơ chế chính sách hỗ trợ. Các đối tượng chính sách không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà còn bằng cơ chế chính sách. Đặc biệt nữa là hoạt động của NHCSXH đã huy động toàn hệ thống chính trị đã tham gia vào tất cả các khâu của hệ thống.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng có mạng lưới rộng khắp, giao dịch xuống tận UBND các xã, phường. Những năm gần đây, hoạt động của các TCTD rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của Hội đồng quản trị, ban điều hành đến từng cán bộ, nhân viên NHCSXH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, NHNN chỉ đạo, giao phó.
Thực tế, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ngoài nguồn vốn của các NHTM Nhà nước duy trì 2% tổng số dư tiền gửi, nguồn cho vay tái cấp vốn của NHNN, vốn phát hành trái phiếu Chính phủ thì NHCSXH cũng đã huy động được tiền gửi tiết kiệm từ dân cư để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHCSXH đúng với chỉ tiêu của Chính phủ đặt ra.
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Những kết quả đạt được sau ba năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ và triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã cho thấy vai trò, ý nghĩa to lớn của NHCSXH trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Thống đốc cho biết, mới đây, trong chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá NHCSXH là điểm sáng trong các chương trình chính sách xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rằng, không ở đâu có một NH đặc thù phục vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có tầm ảnh hưởng rộng, có chất lượng tốt như ở Việt Nam. “Chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước và từng đặt vấn đề có làm được tốt như nước bạn không? Nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập NHCSXH đã cho thấy mô hình của chúng ta còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn các NH trên thế giới để phục vụ người nghèo”.
Với tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH chỉ có 0,88% tổng dư nợ cho thấy vốn tín dụng cho người nghèo vay rất yên tâm, rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách nên lãnh đạo ngành NH kiến nghị Chính phủ rà soát chương trình người nghèo để cho vay thông qua NHCSXH. Ngay như các quỹ hỗ trợ cho người nghèo ở các tỉnh, thành phố nên dần từng bước chuyển sang ủy thác cho NHCSXH. Các tỉnh, thành phố nên nghiên cứu mô hình để làm sao nguồn vốn được tập trung, hiệu quả nhất.
Cách làm này, theo Chủ tịch HĐQT của NHCSXH thì các đối tượng sẽ có thêm nhiều ưu đãi. Và qua thực tế cho thấy, ở đâu chính quyền địa phương các cấp quan tâm tới tín dụng chính sách thì ở đó hoạt động của NHCSXH rất hiệu quả. Ví dụ, ở Tây Nam bộ nợ quá hạn trước đây cao nhất toàn quốc. Nhưng nhờ có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thì chỉ trong 3 năm đã giảm xuống 0,71%.
Thống đốc NHNN cho rằng, thời gian tới, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự nỗ lực của NHCSXH, công cuộc xóa đói giảm nghèo sẽ thành công hơn nữa.