Mở rộng hệ thống phân phối để hàng Việt cạnh tranh với hàng nhập khẩu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đối với doanh nghiệp, phát triển hệ thống phân phối chính là nền tảng giúp hiện thực hóa chương trình quảng bá thương hiệu thành doanh số, lợi nhuận. Làm thế nào để mở rộng hệ thống phân phối cho hàng Việt khi đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các đối thủ nước ngoài là câu hỏi đặt ra đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Mở rộng hệ thống phân phối để hàng Việt cạnh tranh với hàng nhập khẩu
Chưa lúc nào, hệ thống phân phối cho hàng Việt lại được đặt ra cấp bách như hiện nay. Nguồn: internet

Chưa lúc nào, hệ thống phân phối cho hàng Việt lại được đặt ra cấp bách như hiện nay, khi mà khối lượng hàng sản xuất trong nước ngày càng nhiều. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương, giúp đưa nhiều nông sản Việt đến tận tay người tiêu dùng. Hệ thống chợ và siêu thị hiện đại là một kênh hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong nước như: Đồng Xuân, Big C, Saigon Coop… Tuy nhiên, để hàng Việt thâm nhập hệ thống chợ, siêu thị, tăng cường đưa hàng về nông thôn cần cách làm bài bản hơn. Thực tế, hàng Việt chỉ tập trung ở thành phố, doanh nghiệp mới đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa bằng các đợt bán hàng lưu động định kỳ, chưa hình thành mạng lưới phân phối chân rết tại đây. Vì thế, nhiệm vụ cấp bách là rải rộng hệ thống phân phối, nắm được hệ thống phân phối sẽ giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Hiện nay, các chợ đầu mối là một trong những kênh phát luồng hàng hóa về các tỉnh, địa phương khá lớn, trong đó có hàng Việt. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được kênh phân phối này để phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt, theo tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong khi hàng ngoại ngày càng có nhiều cửa đi vào thị trường nước ta. Với trên 2.000 hộ kinh doanh, tiêu thụ 20 tấn hàng hóa/ngày, chợ Đồng Xuân cũng như nhiều chợ đầu mối lớn ở Hà Nội đang là những địa chỉ hấp dẫn đối với hàng Việt. Nếu cách đây 3 năm tỷ lệ hàng Việt ở chợ chiếm 20-40%, thì nay, một số mặt hàng Việt kinh doanh ở chợ đã chiếm 70% trở lên. Rõ ràng, tiềm năng hàng Việt vào các chợ rất lớn, nhưng để điều này thành hiện thực, rất cần nỗ lực từ nhiều phía.

Vấn đề nữa là các nhà kinh doanh có nguồn lực tài chính yếu, trong khi doanh nghiệp sản xuất lại thích mua đứt, bán đoạn, xuất được nhiều đơn hàng lớn. Trong khi đó, thương nhân nước ngoài sang tận nơi, đi từng siêu thị, thậm chí đến từng quầy hàng ở chợ để giới thiệu sản phẩm, đưa ra giá cả và các điều kiện tốt như: ký gửi hàng, khi bán được thì trả tiền, hoặc giao hàng xong trả tiền theo kiểu gối đầu... Điều này đặt ra bài toán, nếu các doanh nghiệp sản xuất trong nước không nhanh nhạy phối hợp với các nhà phân phối để có sự hỗ trợ về tài chính và chủ động trong phương thức thanh toán, thì hàng Việt sẽ lép vế ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, để nhà phân phối chấp nhận phân phối sản phẩm của mình, doanh nghiệp trong nước hơn lúc nào hết phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, cũng như giá cả phù hợp cho từng phân khúc thị trường. Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan lưu ý, hàng hóa nhập khẩu sẽ có mặt nhiều ở thị trường trong nước là điều doanh nghiệp phải nhận thức được. Các nhà sản xuất hàng Việt cần phối hợp với những hiệp hội và doanh nghiệp phân phối để nắm bắt kịp thời yêu cầu của thị trường, từ đó cung cấp sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng, với giá bán linh hoạt để thu hút người mua.

Trong Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến năm 2015, mục tiêu tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống trên 80%, đến năm 2020 tăng lên trên 85%. Từ nay đến 2020 sẽ thường xuyên tổ chức các dịch vụ hỗ trợ kết nối cung - cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt. Đây là bàn đạp để mở rộng hệ thống phân phối, giúp cho hàng Việt đến vớái gia đình nhiều hơn.