Mở rộng không gian chính sách tài khóa cần gắn với hiệu quả của đầu tư công
Chính phủ nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô; chính sách an sinh xã hội; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Sáng ngày 20/10/2022, trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Báo cáo được xây dựng công phu, chi tiết; các nhận định, đánh giá cơ bản đã bám sát Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay; tiếp thu tối đa theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội tại phiên họp thẩm tra; thể hiện sự chủ động, công tác phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ.
Về thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 của Việt Nam vẫn tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%.
Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018. Một số ngành dịch vụ nhanh chóng phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh/thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%. Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo
Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số nội dung về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu; Xây dựng dự toán thu, chi NSNN; việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ; Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế;...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý III/2021, GDP giảm hơn 6%)... Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế; phân bổ vốn chậm, tỷ lệ giải ngân khá thấp; việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế...
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã phân tích trong báo cáo của Chính phủ; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; chính sách tài khóa, nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô; chính sách an sinh xã hội; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Về mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu theo Báo cáo của Chính phủ. Đó là: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn; rà soát, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm quốc gia.
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và đề nghị tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội và các giải pháp điều hành mà Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán năm 2023. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước; ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...