MobiFone trước thềm cổ phần hóa
Hôm 15/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định danh sách 93 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sẽ cổ phần hóa đến hết năm 2020, một trong số các “khủng long” được trông đợi nhất lần này là Tổng công ty viễn thông MobiFone.
Hơn 13.400 tỷ tiền và tiền gửi ngân hàng, kinh doanh ra sao trong bối cảnh người dân chỉ thích gọi Zalo, Viber, Facebook là câu hỏi mà MobiFone phải có lời giải trước thềm cổ phần hóa.
Kế hoạch cổ phần hóa MobiFone ban đầu dự kiến hoàn tất vào năm 2015 nhưng vì nhiều lý do đã chưa thực hiện được.
Tại thời điểm 30/6/2019, Tổng tài sản của Tổng công ty mẹ MobiFone đạt 29.181 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước tại MobiFone đạt 15.000 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 5.080 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối 150 tỷ.
Ở thời điểm trên, MobiFone đang gửi ngân hàng 11.678 tỷ đồng và tiền mặt 1.744,5 tỷ đồng. Số tiền gửi ngân hàng bao gồm 8.445 tỷ đồng tiền gốc và 329 tỷ đồng tiền chênh lệch nhận được so với tiền gốc đầu tư ban đầu, MobiFone đã nhận lại trong thương vụ hoàn trả việc mua 95% cổ phần AVG. Riêng lãi tiền gửi ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty đạt 418 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ 2018.
Năm 2018 là một năm khó khăn của MobiFone, nhiều cựu lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của MobiFone bị khởi tố. Sự xáo trộn trong đội ngũ cán bộ điều hành đã khiến tiến độ ký hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán các dự án chuyển tiếp chỉ đạt 50-70%.
Mặc dù vậy, năm 2018, doanh thu hợp nhất của MobiFone vẫn đạt 38.883 tỷ đồng, giảm 12% năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỷ đồng, tăng 27,5%.
Giai đoạn 2015-2017, sau khi tách khỏi VNPT và tái cấu trúc, MobiFone trở thành Tổng công ty trực thuộc Bộ TT&TT, định hướng trở thành doanh nghiệp viễn thông – CNTT hàng đầu cả nước.
Trong giai đoạn 2016-2017, MobiFone tập trung đầu tư phát triển mạng 4G, hoàn thành phát sóng hơn 12.000 trạm 4G mới, nâng tổng số trạm đầu tư mới trong giai đoạn 2015-2017 lên hơn 30.000 trạm cả 3G và 4G. Mạng lưới hiện tại của MobiFone có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho 46 triệu thuê bao 2G/3G và 16 triệu thuê bao sử dụng data trong đó có 4 triệu thuê bao 4G.
Năm 2018, MobiFone tiếp tục triển khai lắp đặt hơn 8.000 trạm 4G, định hưởng mở rộng kinh doanh lĩnh vực truyền dẫn và triển khai kinh doanh băng rộng cố định.
Năm 2019 - 2020 thử nghiệm 5G
Xu hướng người dùng điện thoại di động thay đổi, từ việc gọi điện và nhắn tin bằng dịch vụ thoại truyền thống sang các dịch vụ OTT (như Zalo, Viber, Skype) khiến doanh thu của MobiFone sụt giảm, MobiFone chuyển hướng đầu tư thêm các hệ thống tối ưu dữ liệu data (3G,4G). Dự báo tốc độ tăng trưởng data tại thị trường Việt Nam đạt 22,5% mỗi năm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp di động.
Theo MobiFone, xu hướng sắp tới sẽ là miễn phí các dịch vụ truyền thống, chuyển đổi cơ cấu dịch vụ từ chú trọng dịch vụ thoại và tin nhắn truyền thống sang ưu tiên phát triển dịch vụ nội dung, dữ liệu và các dịch vụ số.
Kế hoạch 2019, MobiFone sẽ phủ sóng 4G cả nước và thử nghiệm 5G giai đoạn đầu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh các dịch vụ Data tốc độ cao. Tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ thông tin trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh như IoT, M2M, các hệ thống phân tích chuyên sâu (Big Data) bên cạnh hệ thống hỗ trợ công tác an toàn an ninh mạng, khắc phụ xử lý sự cố.
MobiFone đã được Bộ TT&TT cấp phép triển khai thử nghiệm 5G tại thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM. Thời gian của giấy phép thử nghiệm từ 23-4-2019 đến 22-4-2020.
MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ thử nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao eMBB, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến (HD, UHD 4K), trò chơi trực tuyến thời gian thực (AR, VR)….
Dự kiến 2020 sẽ là thời điểm bùng nổ của 5G
Kết quả kinh doanh 6 tháng 2019 của MobiFone đạt 15.168 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 2.644 tỷ đồng, tăng 8,6%, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4%.