Kinh nghiệm của Singapore về mô hình hợp tác công tư (PPP):
Môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch
Thành công của Singapore trong việc áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng là do đã đánh giá đúng những nhân tố bảo đảm thành công của một dự án PPP, trong đó có việc bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng và hành lang pháp lý chặt chẽ.
Dự án hợp tác công tư là một dự án dài hạn (thường 10-30 năm) và phức tạp. Do đó, thường chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại sinh như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, xã hội cũng như các yếu tố nội sinh của bản thân dự án đó như việc lựa chọn nhà đầu tư, các quy định trong hợp đồng công - tư hay vai trò giám sát của nhà nước với khu vực tư nhân trong quá trình thực hiện dự án.
Môi trường pháp lý là yếu tố đầu tiên quyết định dự án mà Chính phủ kêu gọi đầu tư có hấp dẫn được các nhà đầu tư hay không. Môi trường pháp lý tốt không chỉ gây ấn tượng cho các nhà đầu tư mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho quốc gia đó. Về khía cạnh này, Singapore có những ưu thế khá vượt trội.
Chính phủ Singapore theo đuổi một chiến lược nhằm đưa Singapore trở thành một nền kinh tế dựa trên công nghệ, sáng kiến và tri thức; gia tăng tính toàn cầu hóa nền kinh tế để cạnh tranh cả với những cường quốc trên thế giới cũng như các nước sản xuất hàng giá rẻ. Do đó, ngay từ đầu, Singapore đã thúc đẩy một chính sách thu hút đầu tư thông thoáng.
Thủ tục nhanh gọn nhờ Chính phủ điện tử
Nhà nước tạo nguồn động viên về tài chính, điều chỉnh luật lệ nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Để thực hiện chính sách rộng mở, Singapore khuyến khích các công ty đa quốc gia tiến hành các hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ, tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài đến cư trú và làm việc.
Singapore cũng là nước có mức độ tự do hóa kinh tế cao, theo đánh giá của Wallstreet Journal. Chỉ số tự do kinh tế năm 2004 (năm Singapore bắt đầu áp dụng PPP) đạt 88,9/10 điểm, đứng thứ hai trên thế giới về mức độ tự do kinh tế.
Cơ chế một cửa cùng với chính sách điện tử hóa hoạt động hành chính khiến cho các thủ tục đầu tư ở Singapore trở nên thuận lợi và dễ dàng. Chỉ mất 15 phút cho việc đăng ký kinh doanh và được cấp phép đầu tư ngay sau đó thông qua hệ thống mạng liên kết trực tuyến với Cơ quan quản lý đăng ký và kế toán doanh nghiệp Singapore (ACRA). Thủ tục thông thoáng, thời gian làm thủ tục nhanh gọn tạo ra yếu tố tâm lý tốt, thúc đẩy mong muốn đầu tư cũng như mở rộng kinh doanh.
Ít vùng cấm trong đầu tư
Các quy định hạn chế thương mại, bảo hộ ngành hàng trong nước thường là những rào cản lớn cho việc xâm nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở một số nước, việc bảo hộ nghiêm ngặt cho các ngành trọng điểm quốc gia như năng lượng, cung cấp nước sạch khiến các nhà đầu tư không mặn mà với những lĩnh vực này, làm cho việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Singapore không hạn chế các lĩnh vực có thể đầu tư, trừ các dự án bất động sản. Điều này có thể được giải thích là bởi Singapore là nước có diện tích chỉ 697km2 trong khi dân số khoảng hơn 5 triệu người. Vì vậy, quy hoạch đất đai là vấn đề được chú trọng đặc biệt ở quốc gia này nhằm phục vụ các mục tiêu dài hạn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vào Singapore cũng được bảo hộ chặt chẽ về quyền sở hữu trí tuệ cũng như được bảo vệ bởi luật pháp của Singapore. Điều này rất quan trọng với các nhà đầu tư bởi một số loại hình dự án PPP sẽ bao gồm cả các vấn đề chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho đối tác khu vực nhà nước. Nếu không bảo đảm được những quyền lợi này, chắc chắn tính hấp dẫn đầu tư sẽ bị giảm đáng kể.
Chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt
Các chính sách ưu đãi tài chính, thuế của Singapore cũng tương đối linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn đối với các ngành trọng điểm hoặc các lĩnh vực mà Chính phủ cần kêu gọi đầu tư như phát triển hoặc chuyển giao công nghệ cao, Singapore luôn có những biện pháp ưu tiên đặc biệt.
Chẳng hạn các dự án có sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ 70-100% chi phí nghiên cứu, phát triển công nghệ cũng như việc đào tạo, ứng dụng công nghệ này trong quá trình thực hiện dự án. Hoặc đối với các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, Chính phủ cam kết hỗ trợ 50% chi phí tối đa là khoảng 2 triệu SGD cho các dự án.
Chính phủ cũng có các ưu đãi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (có doanh thu ít hơn 1 triệu SGD) thông qua việc cung cấp các khoản vay tài trợ cho mua sắm trang thiết bị máy móc, phục vụ hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Khoản vay này có giá trị không quá 100.000 SGD, được cung cấp tối đa trong 4 năm với lãi suất tối thiểu là 5,75%. Phí bảo hiểm cho các khoản vay này có thể được Chính phủ trợ cấp 100%.
Không chỉ có các biện pháp kích thích đầu tư, Singapore còn có các chương trình hỗ trợ cải thiện chất lượng đầu tư.
Chẳng hạn chương trình cải thiện năng suất lao động, theo đó Chính phủ cam kết hỗ trợ chi phí lên đến 50% nếu các doanh nghiệp tiến hành các biện pháp tăng năng suất (áp dụng tự động hóa, cơ giới hóa, sử dụng năng lượng tái sinh...), hoặc thậm chí lên đến 90% đối với các công ty thực hiện các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đồng thời có các chính sách chia sẻ lợi nhuận cho người lao động thu nhập thấp. Khoản hỗ trợ này có thể lên đến 500.000 SGD mỗi năm.
Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Singapore cũng ở mức độ vừa phải với mức thuế suất là 18% (trước năm 2009) và hiện nay là 17%. Doanh nghiệp khi kinh doanh ở Singapore sẽ được miễn thuế 3 năm liên tiếp đầu tiên cho phần lợi nhuận dưới 100.000 SGD và thêm 50% cho phần lợi nhuận từ 100.000 - 200.000 SGD.
Tính minh bạch của thị trường
Một trong những ưu điểm nổi bật của Singapore đó là sự minh bạch trong chính sách công. Việc quản lý công cộng được Chính phủ Singapore thực hiện một cách công khai, các chính sách luôn có tính ổn định cao, và rõ ràng, rủi ro về mặt chính sách ở Singapore rất thấp.
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Singapore cũng là một trong những nước tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới. Hành vi tham nhũng bị xét xử rất nghiêm, Nhà nước trả lương rất cao cho viên chức.
Hàng tháng họ phải trích lại một phần lương coi như là một khoản tiền tiết kiệm khi về hưu, nếu trong quá trình công tác mà phạm tội tham ô thì sẽ bị cắt khoản tích lũy này và cách chức. Họ không những mất số tiền do mình tích cóp nhiều năm, mà có thể phải chịu hình phạt tù. Nhiều người gọi đây là quỹ dưỡng liêm cho quan chức.