Môi trường đầu tư Việt Nam được cải thiện rõ rệt

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Qua 5 giai đoạn thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện hệ thống chính sách pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 Môi trường đầu tư Việt Nam được cải thiện rõ rệt
Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, thu hút đầu tư FDI tăng nhanh. Nguồn: internet

Cần tận dụng hết tiềm năng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết như vậy tại cuộc họp cấp cao, tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản đồng tổ chức sáng 9/12, tại Hà Nội.

Đánh giá cao kết quả triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada khẳng định: “Chúng tôi mong muốn qua cơ chế đối thoại cởi mở và thẳng thắn có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho việc cải thiện môi trường đầu tư, cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sao để Việt Nam có thể tận dụng được hết tiềm năng, lợi thế để xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tham gia tích cực và tận dụng được các cơ hội do việc hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN mang lại".

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, sau 16 tháng triển khai, về cơ bản hai bên đã thực hiện tốt kế hoạch hành động giai đoạn V. Đến nay có 40 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung kế hoạch hành động.

Trong tổng số 104 hạng mục nêu tại kế hoạch hành động giai đoạn V, có 95 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và có 9 tiểu hạng mục chưa triển khai. Trong số 95 hạng mục nêu trên có 81 tiểu hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ; 14  tiểu hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ.

Các hạng mục hoàn thành tốt bao gồm các vấn đề liên quan đến vận tải – hải quan, an toàn thực phẩm, thuế, ngân hàng và phi ngân hàng, sở hữu trí tuệ, xây dựng kết cấu hạ tầng.

14 hạng mục đang được triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về liên kết chiến lược công nghiệp hóa, lao động, bán lẻ, dịch vụ, vận dụng luật.

Tiếp tục triển khai giai đoạn VI

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, một trong những nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin để gửi tới các cơ quan phía Việt Nam. Ngoài ra một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, luật) hoặc những vấn đề mang tính chủ trương đòi hỏi thêm thời gian để xử lý hoặc tiếp tục nghiên cứu.

9 tiểu hạng mục chưa triển khai liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật về bảo vệ môi trường. Các hạng mục này sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận trong thời gian tới.

Sau khi Giai đoạn V kết thúc, các bên cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục triển khai Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Tuy nhiên, đánh giá  của Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, hiện nay môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã và đang ngày càng được hoàn thiện, hệ thống luật pháp, chính sách được xây dựng theo hướng minh bạch, có tính giải trình cao và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.

Do đó, các vấn đề vướng mắc mang tính kỹ thuật hoặc liên quan đến quy trình, thủ tục sẽ giảm tương đối; thay vào đó là những vấn đề dài hạn, tổng thể hoặc của ngành, của lĩnh vực. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất cách thức hợp tác và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định vấn đề này.