Môi trường đầu tư Việt Nam "xuống dốc"?

Theo danviet.vn

(Tài chính) “Nếu Việt Nam không sớm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì việc các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển kinh doanh từ Việt Nam sang các nước ASEAN khác sẽ trở thành hiện thực chứ không còn là cảnh báo".

Môi trường đầu tư Việt Nam "xuống dốc"?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các DN FDI tại Việt Nam đã nói như vậy sau khi EuroCham (Phòng Thương mại châu Âu) công bố chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu tại Việt Nam.

"Không thể xem thường"...

Kết quả cuộc khảo sát lần thứ 12 về chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu hàng quý do EuroCham vừa thực hiện cho thấy, các DN châu Âu đang thể hiện sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, lạm phát tăng và triển vọng của nền kinh tế vĩ mô xét về tổng thể tại Việt Nam. Thậm chí, nhiều DN đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường ASEAN khác.

"45% số DN cho rằng các thị trường ASEAN khác là điểm đến cho kinh doanh tốt hơn Việt Nam, 37% cho rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở mức trung bình và chỉ có 18% cho rằng Việt Nam là mức hàng đầu"-báo cáo này đã nhấn mạnh. Các DN cũng đánh giá, chỉ số môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam chỉ dừng lại ở mức trung bình. Khoảng 1/5 DN phản hồi đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh của họ sang thị trường ASEAN khác trong 6 tháng vừa qua. "Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng về môi trường kinh doanh hiện tại và sức cạnh tranh đang gia tăng của các thị trường khác trong khu vực", GS Nguyễn Mại bình luận.

Cũng theo báo cáo, do lo ngại về lạm phát quay trở lại, 43% DN cho rằng lạm phát có tác động đáng kể thậm chí là đe dọa đến công việc kinh doanh của họ (tăng 8% so với quý trước). Sự hoài nghi về triển vọng kinh tế vĩ mô đã trở lại: Quý trước chỉ có 48% phản hồi dự đoán sự suy thoái của môi trường kinh tế vĩ mô. Quý này, số lượng phản hồi về tình hình kinh tế vĩ mô đã trở nên xấu hơn. Phần lớn phản hồi (60%) dự đoán môi trường kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục suy thoái. Con số này quay về mức cao như năm trước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể xem thường những kết quả điều tra của báo cáo bởi đây là lần đầu tiên các DN FDI lên tiếng gay gắt về sự "xuống dốc" của môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Theo nhận định của vị chuyên gia này, môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi, điều mà ai cũng thấy. DN cả trong và ngoài nước đều đang "chết" hoặc hoạt động cầm chừng. Một số cải cách trong nước đang có dấu hiệu phình to ra chứ không đơn giản đi, như giải phóng mặt bằng, đất đai, xây dựng đang làm phức tạp và chi phí của DN bị tăng lên. Các công ty độc quyền như điện, xăng dầu liên tục lên giá. Các DN FDI bắt đầu kêu giá điện của Việt Nam kém cạnh tranh hẳn so với các nước khu vực...

Thủ tục hành chính cản trở đầu tư

Theo GS. Nguyễn Mại, Việt Nam đã từng là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thu hút đầu tư FDI, song do thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện dự án đầu tư rườm rà, phức tạp đã khiến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trở nên kém hấp dẫn và khiến Việt Nam dần mất đi vị trí này. "Không chỉ DN châu Âu mà DN FDI nói chung đều đang "ngán" dần việc kinh doanh tại Việt Nam do thủ tục quá rườm rà và gia tăng chi phí"- GS. Mại thẳng thắn chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam nêu thực tế, thời gian để Sở Kế hoạch đầu tư các địa phương phê duyệt dự án là 30 - 60 ngày nhưng chưa bao giờ đạt được.

"Hồ sơ từ phòng thụ lý đến tay giám đốc sở cũng mất khoảng 40 ngày; sở trình ủy ban, ủy ban hỏi ý kiến các sở ngành liên quan mất khoảng 1 tháng. Tiếp đó, ủy ban lại họp xét duyệt… Dự án có tốc độ nhanh kỷ lục mà chúng tôi đã thực hiện phải mất 14 tháng mới xong TTHC. Đó là dự án mà mọi điều kiện thực hiện đều thuận lợi”, ông Hiệp nói.

GS Mại cho rằng, Việt Nam cần sớm thay đổi tư duy và cách thức thu hút FDI để cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Quan trọng nhất là các cấp chính quyền địa phương cần chú trọng quan tâm, triển khai hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Ông Nguyễn Hùng Huế - Phó Trưởng phòng kiểm soát TTHC khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) thì khuyến nghị Việt Nam cần bãi bỏ một số thủ tục như: Đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch; không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số dự án…