Môi trường giao dịch điện tử: An toàn cho thị trường chứng khoán và bảo vệ nhà đầu tư

Theo Bảo Khánh/Tạp chí Chứng khoán 03/2018

Với nhiều điểm mới tiến bộ, chặt chẽ hơn và hướng tới thông lệ quốc tế, Thông tư số 134/2017/TT-BTC được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý thị trường nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động giao dịch điện tử (GDĐT) trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kể từ ngày 01/3/2018, Thông tư số 134/2017/TT-BTC (Thông tư 134) ngày 19/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn GDĐT trên TTCK chính thức có hiệu lực, thay thế cho Thông tư số 87/2013/TT-BTC. Với nhiều điểm mới tiến bộ, chặt chẽ hơn và hướng tới thông lệ quốc tế, Thông tư 134 được kỳ vọng sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý thị trường nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động GDĐT trên TTCK, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho thành viên thị trường và nhà đầu tư, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, công bằng, minh bạch. Để hiểu rõ hơn các nội dung của văn bản mới này, Tạp chí Chứng khoán đã phỏng vấn ông Trịnh Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xoay quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết lý do vì sao phải ban hành Thông tư 134 thay thế cho Thông tư 87 trong bối cảnh hiện nay?

Ông Trịnh Hồng Hà: Những năm qua, GDĐT ở nước ta đã có những bước phát triển rất đáng kể bởi nhiều lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Các hoạt động như trao đổi thông tin điện tử, mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử qua mạng internet diễn ra rất sôi động. Cũng trong xu thế đó, giao dịch trực tuyến (GDTT) trên TTCK hầu như đã thay thế các phương thức giao dịch truyền thống khác khi có đến 95% số giao dịch trên thị trường sử dụng phương thức GDTT.

Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) tại các công ty chứng khoán (CTCK) đã phát triển và có rất nhiều thay đổi, như về công nghệ, phần cứng, phần mềm, chính sách an toàn bảo mật... cũng như các phương thức giao dịch qua internet rất đa dạng so với thời điểm ban hành Thông tư 87. Đi cùng với xu hướng đó, tháng 12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 134 thay thế cho Thông tư 87 với kỳ vọng:

Thứ nhất, chúng ta thấy rằng, cùng với sự nhanh chóng, thuận tiện và những lợi ích to lớn khác, GDĐT trong lĩnh vực chứng khoán cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro về an toàn thông tin, kẽ hở cho gian lận hay thao túng thị trường.

Đơn cử như rủi ro bị chiếm dụng thông tin tài khoản, nguy cơ bị tấn công mạng dẫn đến mất dữ liệu thông tin giao dịch của khách hàng, hay làm sai lệch bản chất thông tin doanh nghiệp để trục lợi… Các nguy cơ này thường đến từ nhận thức chưa đầy đủ về an toàn bảo mật thông tin của người tham gia GDĐT, hay nghiêm trọng hơn là đến từ sự thiếu chuyên nghiệp trong trang bị cơ sở hạ tầng CNTT và quy trình tổ chức, thực hiện dịch vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ GDĐT.

Từ đó, cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác thực danh tính của nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán trực tuyến; các quy định cụ thể về hạ tầng kỹ thuật CNTT (phần cứng, phần mềm, trung tâm dữ liệu...).

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, khi mà giao dịch chứng khoán trực tuyến đang rất sôi động, việc thiếu các quy định cụ thể về nội dung thông tin khi thực hiện giao dịch và nghĩa vụ cung cấp dữ liệu điện tử cho cơ quan quản lý... khiến cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không xây dựng hệ thống theo một chuẩn chung; một số tổ chức, cá nhân trên TTCK có thể “lách luật” thực hiện những hành vi vi phạm nhằm trục lợi khi tham gia GDĐT; cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm căn cứ xác định hành vi vi phạm để có thể xử phạt, răn đe.

Đứng trước yêu cầu về công khai, minh bạch thị trường và hỗ trợ dữ liệu, thông tin phục vụ công tác thanh tra giám sát, cần thiết phải có các quy định yêu cầu về nội dung thông tin, dữ liệu giao dịch và nghĩa vụ cung cấp thông tin, dữ liệu điện tử cho cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội gián…

Thứ ba, trước yêu cầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, cần nghiên cứu, rà soát để quy định theo hướng giảm bớt một số đầu mục tài liệu của Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ GDTT; giảm thời gian giải quyết Hồ sơ của thủ tục chấp thuận cung cấp dịch vụ GDTT nhằm giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện đăng ký cung cấp dịch vụ GDTT.

Thứ tư, cần có quy định về yêu cầu dịch vụ GDĐT đối với các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và các Công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán vì các đối tượng này hiện nay đều là các chủ thể tham gia các hoạt động GDĐT cũng như đã thực hiện cung cấp các dịch vụ về GDĐT trên TTCK.

Trước những yêu cầu nêu trên, cần có sự thay đổi, bổ sung các quy định từ phía cơ quan quản lý để hướng dẫn hoạt động GDTT được minh bạch, an toàn, thuận tiện cho nhà đầu tư và thị trường; đảm bảo tính quy phạm trong việc quản lý hoạt động GDĐT trên TTCK và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐT trong kỷ nguyên số.

Có ý kiến cho rằng kể từ tháng 3/2018, hoạt động GDĐT trên TTCK sẽ được “quản chặt” hơn bởi các quy định mới theo hướng “siết chặt” tại Thông tư 134. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

Thông tư mới có quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDĐT trên TTCK nhằm đảm bảo các hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Các quy định mới điều chỉnh, bổ sung yêu cầu về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao an toàn, bảo mật trong GDĐT đặc biệt là giao dịch chứng khoán trực tuyến, đảm bảo cho GDĐT trên TTCK hoạt động lành mạnh, ổn định, thuận tiện cho nhà đầu tư. Đồng thời, thông tư mới sẽ hỗ trợ cho cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác giám sát, quản lý các hoạt động này.

Văn bản mới này khi đi vào thực tiễn cuộc sống được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích gì cho TTCK, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, thưa ông?

Thông tư 134 ra đời với mục tiêu hướng đến TTCK an toàn, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán và nhà đầu tư tham gia thị trường. Cụ thể:

- Với các quy định yêu cầu về hạ tầng CNTT, yêu cầu về ứng dụng, an ninh bảo mật, yêu cầu về dịch vụ cho tất cả các đối tượng cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến, hoạt động cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn, tin cậy, thuận lợi cho nhà đầu tư chứng khoán.

- Giao dịch chứng khoán trực tuyến với khả năng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro mất an toàn. Tôi xin nhấn mạnh ở đây là ngoài mất an toàn cho các bên tham gia giao dịch như chúng ta đã biết, còn có thể mất an toàn cho cả thị trường. Đơn cử trường hợp, khi kẻ xấu âm thầm nắm giữ thông tin tài khoản của số lượng lớn nhà đầu tư, họ có thể sử dụng số tài khoản này để lũng đoạn, thao túng thị trường hay gây mất ổn định thị trường.

Các quy định mới về xác thực danh tính nhà đầu tư hay hỗ trợ nhà đầu tư sử dụng chữ ký số trong giao dịch sẽ tạo nên môi trường giao dịch chứng khoán an toàn hơn, chống giả mạo danh tính, đảm bảo công bằng trong cung cấp dịch vụ của các CTCK. Hơn nữa, các quy định này còn hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc giám sát giao dịch, phòng chống các hành vi thao túng thị trường.

- Các quy định về thủ tục đăng ký chấp thuận cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến của CTCK đã được đơn giản hóa, giảm thiểu các đầu mục hồ sơ tài liệu từ 9 mục xuống còn 4 mục và thời gian thụ lý hồ sơ từ 35 ngày xuống 20 ngày. Các CTCK không phải cung cấp Giấy chứng nhận kiểm định về tính an toàn chất lượng của hệ thống.

- Các quy định tại Thông tư 134 cũng là thách thức đối với các CTCK trong tiến trình tái cấu trúc thị trường. Những CTCK nào có hệ thống giao dịch trực tuyến thuận tiện, an toàn, bảo mật, hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư tham gia giao dịch thì sẽ có nhiều lợi thế trong cạnh tranh, thu hút được nhà đầu tư đến với mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!