Một cá nhân bị phạt hơn một tỷ đồng vì giao dịch chui gần 6 triệu cổ phiếu ITA

Minh Lâm

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh số tiền hơn 1 tỷ đồng vì đã không báo cáo trước khi giao dịch cổ phiếu ITA.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

UBCKNN đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với bà Hạnh số tiền 1.014.160.000 đồng.

Cụ thể, bà Hạnh đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch khi thực hiện mua 1.104.700 cổ phiếu và bán 4.690.500 cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo trong tháng 6/2022, tương ứng 57,95 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu ITA.

Trong tháng 7/2022, bà Hạnh tiếp tục giao dịch bán 520.000 cổ phiếu ITA (tương tứng với 5,2 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu ITA; sau đó, tiếp tục giao dịch bán 88.000 cổ phiếu ITA, tương ứng với 880 triệu đồng mệnh giá cổ phiếu ITA trong tháng 9/2022 nhưng không báo cáo trước khi giao dịch.

Bà Hạnh là vợ của ông Đặng Quang Hạnh – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo và là em dâu của bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty này.

Việc bán chui cổ phiếu ITA đã giúp bà Hạnh thoát được đà lao dốc của cổ phiếu ITA, thu lợi hàng chục tỷ đồng. Trong tháng 6/2022, cổ phiếu ITA dao động ở mức giá 7.180-12.750 đồng/cổ phiếu. Tính đến tháng 11/2022, cổ phiếu này giảm còn hơn 2.000 đồng/cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu đã tăng trở lại lên 6.260 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 26/1. 

Ngoài ra, UBCKNN áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 3,5 tháng đối với bà Hạnh kể từ ngày 19/1/2024.

Theo các chuyên gia, việc cố tình bán “chui” cổ phiếu là hành vi lừa đảo, trục lợi, có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, bởi không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư tham gia thị trường mà còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tình trạng này liên tục tái diễn sẽ đe dọa sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang có mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới.

Để ngăn chặn tình trạng này nhằm minh bạch thị trường, các chuyên gia cho rằng cần tăng chế tài xử phạt để tăng tính răn đe. Bởi lẽ, mặc dù đã có chế tài nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn bất chấp để bán “chui” cổ phiếu cho thấy việc chế tài chưa đủ mạnh. Không ít trường hợp như bà Hạnh sẵn sàng chịu nộp phạt hơn một tỷ đồng nhưng thu lợi về hàng chục tỷ đồng. Do đó, cơ quan quản lý có thể xem xét ở góc độ hình sự nếu hành vi đó ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn đến thị trường và nhà đầu tư.