Vì sao đại gia 'thích' bán chui cổ phiếu?
Không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều nhân viên môi giới từng chia sẻ với người viết rằng, động thái bán ra – mua vào cổ phiếu của các kế toán trưởng cũng rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả lãnh đạo.
Thời gian qua, UBCKNN liên tục công bố các thông tin xử phạt lãnh đạo hoặc kế toán trưởng của doanh nghiệp với các giao dịch mua-bán 'chui’ cổ phiếu. Một số ‘động thái’ bán chui cổ phiếu còn thực hiện ngay trước công bố thông tin bất lợi của doanh nghiệp.
Ngày 6/11, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt với bà Lưu Hải Anh hơn nửa tỷ đồng (535 triệu đồng) do vi phạm giao dịch nội bộ cổ phiếu SKG của Công ty CP Tàu Cao tốc Superdong Kiên Giang. Cụ thể, bà đã bán 5.400 cổ phiếu SKG từ ngày 20/6/2017 đến ngày 28/6/2017 trước khi Công ty công bố các Quyết định của Chi cục thuế huyện Phú Quốc xử phạt hành chính về thuế đối với Công ty.
Những bê bối lùm xùm về việc một số người nội bộ có liên quan và đặc biệt là việc kế toán trưởng bán ra gần hết số cổ phiếu trước khi Công ty này công bố các thông tin bất lợi đã khiến SKG liên tục dò đáy.
Theo đó, đến thời điểm 13/11/2017 khi VN-Index đã đạt mốc 879,34 điểm (672,01) và tăng hơn 31% so với thời điểm đầu năm thì một mã cổ phiếu blue-chip như SKG lại đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong năm nay. Đóng cửa phiên 13/11, thị giá SKG nằm ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu.
Nói đến các lãnh đạo bị xử phạt còn phải kể đến ông Lê Xuân Nghĩa - Chủ tịch HĐQT NHP phạt 42,5 triệu đồng theo quy định tại ĐIểm a Khoản 3 Điều 27 và Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 108 ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Nguyên nhân được đưa ra là do vào ngày 26/8/2016, ông Lê Xuân Nghĩa – Chủ tịch HĐQT NHP đã bán hơn 3,3 triệu quyền mua cổ phiếu NHP nhưng đã không báo UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hà Nội (HNX) trước khi thực hiện giao dịch.
Ngoài ông Nghĩa, 3 lãnh đạo cao cấp khác của NHP cũng bị xử phạt là bà Nguyễn Thị Mai Hương, ông Tào Ngọc Tuấn và bà Phạm Thị Thủy.
Trao đổi với Nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh – Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) cho rằng, vấn đề chủ yếu ở đây đến từ việc mỗi giao dịch mua-bán của người nội bộ theo quy định phát luật đều phải đăng ký trước hoặc công bố thông tin. Do đó, trong trường hợp giao dịch chui họ có thể tránh việc công bố số lượng cổ phiếu và thời gian đăng ký bán ra.
Một vấn đề nữa là việc đăng ký bán ra cổ phiếu của lãnh đạo lại mang tính chất khá tiêu cực với doanh nghiệp. Nhiều khi, lãnh đạo không muốn công bố thông tin này vì họ sợ có thể ảnh hưởng lên thị giá cổ phiếu. Điều này có thể khiến họ không bán được giá mục tiêu như mong muốn. Ông nói thêm, mức giá tiền phạt không cao so với thị giá thu về từ việc bán ra nên họ sẵn sàng chấp nhận chuyện này.
Rủi ro từ những giao dịch bán ‘chui’
Ông Minh cho biết sẽ có 2 đối tượng chịu rủi ro từ những giao dịch bán chui. Một là các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị thiệt hại bởi các giao dịch này và sẽ có cái nhìn không hay vì bản chất những cổ phiếu này thường đã là dạng đầu cơ, lướt sóng, giờ hành động lãnh đạo lướt sóng cổ phiếu càng khiến nhà đầu tư ngại giao dịch hơn.
Tuy vậy, rủi ro lớn nhất theo ông Minh lại là việc công ty chứng khoán cho vay margin các cổ phiếu này. Ông diễn giải, việc cho khách hàng vay margin mua các cổ phiếu dạng này cũng đồng tình như việc công ty chứng khoán mua cổ phiếu ở mức giá nào đó.
Bởi vậy, các công ty chứng khoán ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi thị giá các cổ phiếu này đều đang có xu hướng giảm mạnh sau các công bố xử phạt các lãnh đạo mua bán chui cổ phiếu.