Một loạt các chỉ báo kinh tế Mỹ rơi vào "vòng nguy hiểm": Suy thoái sẽ không còn xa!
Nhà đầu tư đang đón nhận các số liệu kinh tế với những chỉ báo của sự suy thoái đang loé lên dấu hiệu của một nền kinh tế đang giảm tốc từ mọi góc độ, các số liệu đều ghi nhận đà tăng trưởng chậm và sự bất ổn từ chiến tranh thuơng mại Mỹ - Trung.
Dù có diễn ra hay không, thì việc nước Mỹ dần đi đến sự suy thoái đang hiện hữu trong suy nghĩ của hầu hết người dân nước này. Kể từ cuối tháng 7, các lượt tìm kiếm trên Google đã cho thấy nỗi lo về sự suy thoái đã tăng vọt theo cấp số nhân. Đây là thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhà đầu tư đang đón nhận các số liệu kinh tế với những chỉ báo của sự suy thoái đang loé lên dấu hiệu của một nền kinh tế đang giảm tốc từ mọi góc độ, các số liệu đều ghi nhận đà tăng trưởng chậm và sự bất ổn từ chiến tranh thuơng mại Mỹ - Trung. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đang gây áp lực cho các ngân hàng trung ương nhiều nước trong việc hạ lãi suất cho vay ở những mức chưa từng thấy và cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh đang đè nặng lên niềm tin kinh doanh.
Việc đánh giá về các chỉ số này là không hề dễ dàng. Nhiều nhà kinh tế, quản lý tài sản và nhà phân tích lại không đồng ý về vấn đề nền kinh tế Mỹ thực sự "lành mạnh" hay "không lành mạnh" như thế nào, và liệu sự phát triển lâu dài có thể tiếp tục hay không.
Đây là những chỉ báo suy thoái đang nhấp nháy một màu đỏ.
Thị trường trái phiếu
Có lẽ chỉ báo về suy thoái được nhắc đến nhiều nhất là tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược. Trong bối cảnh lãi suất đang đi xuống ở trên toàn thị trường tái phiếu Mỹ, thì lợi suất trái phiếu 10 năm đã giảm xuống mức thấp hơn lợi suất trái phiếu 2 năm nhiều lần kể từ ngày 14/8.
Trong một thị trường có diễn biến "lành mạnh", thì trái phiếu dài hạn thường có lợi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn. Khi trái phiếu ngắn hạn có lợi suất cao hơn thì tình trạng này được gọi là đường cong lợi suất đảo ngược. Đây là một chỉ báo đáng tin cậy về suy thoái kinh tế. Theo Credit Suisse, tình trạng này đã xảy ra trước 7 cuộc khủng hoảng tài chính trước đây và trước đó khoảng 22 tháng.
GDP
Số liệu mới đây cho thấy GDP của Mỹ đang ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại. Theo dự kiến, nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2% tron quý II, Bộ Thương mại Mỹ cho biết. 2% là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý IV năm 2018 và giảm từ mức 3% so với 3 tháng đầu năm nay.
Lợi nhuận doanh nghiệp
Tăng trưởng lợi nhuận theo ước tính đã giảm mạnh vào năm nay. Tháng 12 năm ngoái, các nhà phân tích ước tính tăng trưởng lợi nhuận của S&P 500 trong năm sẽ là khoảng 7,6%, theo FactSet. Hiện tại, con số đó là khoảng 2,3%. Các chiến lược gia của Goldman Sachs và Citigroup hồi tháng trước đã hạ dự báo lợi nhuận cho năm 2019 và 2020 của S&P 500, với lý do nền kinh tế giảm tốc, rủi ro xung quanh chiến tranh thương mại và khả năng đồng tiền tệ bị mất giá.
Hoạt động sản xuất
Tăng trưởng hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 10 năm vào tháng 8. Chỉ số PMI đạt mức 49,9 vào tháng 8, giảm từ con số 50,4 của tháng 7. Theo IHS Markit, chỉ số này hiện đang chạm mốc dưới 50.0 lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2009 và dưới 50.0 là dấu hiệu cảnh báo rằng hoạt động sản xuất đang bị co hẹp.
Tháng 7, các quan chức của Fed đã bày tỏ nỗi lo ngại về những lĩnh vực yếu kém của nền kinh tế như sản xuất. Họ cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu vấn tiếp tục "gây áp lực lên niềm tin kinh doanh và kế hoạch chi tiêu vốn của các doanh nghiệp", theo biên bản từ cuộc họp của Fed vào tháng 7.
Chỉ số vận tải Cass
Triển vọng của nền kinh tế từ "góc" của chỉ số này thực sự u tối. Chỉ số vận tải Cass giảm 5,9% vào tháng 7, sau khi giảm 5,3% trong tháng 6 và 6% trong tháng 5. Báo cáo trong tháng 7 cho biết: "Chúng tôi lặp lại thông điệp từ 2 tháng trước: chỉ số vận tải đã đi từ 'cảnh báo về tình trạng suy thoái có thể xảy ra' cho tới 'báo hiệu về sự co hẹp của nền kinh tế'. Dù GDP của đầu quý II năm 2019 là dương, nhưng sự tích cực sẽ không còn khi phân tích sâu và chúng tôi nhận thấy rủi ro ngày càng tăng khi GDP sẽ đi xuống mức âm vào cuối năm."
Đồng
Đồng là một phong vũ biểu về "sức khoẻ" của nền kinh tế, bởi kim loại này được sử dụng trong xây dựng nhà và xây dựng các dự án thương mại. Trong nửa năm vừa qua, giá của kim loại này đã giảm hơn 13%.
Theo Seven Report của Tom Essaye, sự lao dốc của giá đồng vào tháng 8 là "diễn biến quan trọng nhất" và "thị trường rõ ràng là đang quá lạc quan đối với nhiều rủi ro trong bối cảnh vĩ mô."
Vàng
Giá vàng đã tăng hơn 20% kể từ tháng 5, khi Mỹ và Trung Quốc khiến cuộc chiến thuế quan leo thang. Tương tự như trái phiếu chính phủ, vàng là một "hầm trú ẩn an toàn" cho các nhà đầu tư ở những thời điểm bất ổn kinh tế.
Chỉ số bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu (GEPU)
Chỉ số EPU, một chỉ số đo lường về mức độ lo ngại liên quan đến chính sách trên toàn thế giới, đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 6 là 342. Chỉ số EPU theo dõi số lần các bài báo sử dụng từ thông dụng liên quan đến sự bất ổn của kinh tế và chính trị.
Ngoài ra, EPU cũng đo lường số lượng luật thuế sắp hết hạn và sự bất đồng giữa các nhà kinh tế: Sự bất đồng càng lớn thì chỉ số càng cao. Chỉ số này ước tính đạt mức 280 vào hồi tháng 7, khi nhiều ý kiến kỳ vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thoả thuận thương mại.
Chi tiêu kinh doanh
Trong quý II, tổng đầu tư tư nhân trong nước của Mỹ đã giảm 5,5%, theo báo cáo GDP hàng quý của Bộ Thương mại. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý IV năm 2015. Xuất phát từ mức thuế cao đột biến từ cuộc cải tổ về thuế của Tổng thống Trump, các doanh nghiệp đang ngần ngại đầu tư vào những sáng kiến của tương lai do lo ngại về bất ổn gia tăng.