Một luật sửa nhiều luật: Tránh sửa rồi vẫn vướng

Bảo Thương

Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo số 681/TB-BTC về ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc liên quan đến việc xây dựng dự án một luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông báo nêu rõ, Luật này sẽ được trình theo trình tự, thủ tục rút gọn, với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện việc soạn thảo song song 2 bước (lập đề nghị xây dựng luật và soạn thảo luật) theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, các đơn vị chủ trì dự án Luật có nội dung phải sửa đổi, bổ sung có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật và hồ sơ dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn gửi lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ. Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị chủ trì tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ gửi Vụ Pháp chế tổng hợp.

Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành luật; mục đích, quan điểm xây dựng luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; mục tiêu, nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, các giải pháp để thực hiện chính sách đã được lựa chọn và lý do của việc lựa chọn; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; thời gian dự kiến trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật.

Đính kèm cùng với đó là Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật; Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật và dự kiến đề cương chi tiết dự thảo luật.

Trên cơ sở hồ sơ của các đơn vị, Vụ Pháp chế tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng và hồ sơ dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để trình Bộ gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... và cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp trước ngày 21/8/2024.

Đồng thời đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính để xin ý kiến rộng rãi.

Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, Vụ Pháp chế sẽ hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước 4/9/2024. Và hoàn chỉnh, trình Bộ trình Chính phủ trước 17/9/2024.

Vừa qua, tại cuộc họp giao ban công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 8/2024 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các đơn vị tập trung làm tốt công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trong đó, cần phải đảm bảo hoàn thiện một luật sửa nhiều luật như chỉ đạo của Chính phủ. Đối với luật do bộ, ngành khác quản lý nhưng liên quan đến công việc của Bộ Tài chính thì phải tham gia có trách nhiệm, hiệu quả, tránh sau khi sửa đổi vẫn vướng, không triển khai được.

"Xây dựng chính sách pháp luật phải phù hợp thực tiễn nhưng cũng phải hướng tới tương lai, tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.