Một năm phá nhiều chuyên án ma túy lớn
(Tài chính) Năm 2013, lực lượng phòng, chống ma túy của ngành Hải quan đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đấu tranh quyết liệt, bắt giữ 69 vụ, 99 đối tượng (trong đó có 28 vụ do lực lượng Hải quan chủ trì, bắt giữ 31 đối tượng), thu giữ 55.548 gam heroin, 9.563 gam ma túy dạng đá và bột, 1.664 gam thuốc phiện, 37.238 gam cần sa, 18.600 gam tiền chất và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp các loại...
Bắt giữ, xử lí nhiều vụ việc
Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Quý, tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua địa bàn hoạt động Hải quan thời gian qua vẫn diễn ra phức tạp, số vụ việc do các cơ quan chức năng bắt giữ trong đó có lực lượng Hải quan không giảm mà còn gia tăng cả về quy mô, số lượng, tính chất, phương thức, thủ đoạn hoạt động.
Các đối tượng ngày càng liều lĩnh, bất chấp pháp luật, chúng thường nghiên cứu địa hình, địa bàn và thông thạo quy luật hoạt động, chọn thời cơ để vận chuyển ma túy qua biên giới trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Ngoài các thủ đoạn truyền thống như cất giấu ma túy trong người, va ly hai đáy, túi sách của phụ nữ hai đáy..., năm 2013, xuất hiện nhiều thủ đoạn mới như cất giấu ma túy trong các thiết bị âm thanh, tẩm vào khăn giấy ướt, trộn lãnh hàng nông sản như cà phê, mỹ phẩm...
Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, phân luồng kiểm tra tỉ lệ xác suất miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, hành lí XNK, phương tiện XNC để vận chuyển trái phép tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần qua các cửa khẩu hàng không để điều chế ma túy tổng hợp diễn ra phức tạp.
Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, lực lượng chức năng trong đó có cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn, nhiều đối tượng tham gia, với thủ đoạn phức tạp để đưa ma túy ra nước ngoài. Các tuyến vận chuyển được các đối tượng thay đổi liên tục, không cố định như một số tuyến trọng điểm trước đây mà diễn ra trên nhiều tuyến bay khác, đặc biệt trong năm cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ việc, các đối tượng vận chuyển ma túy quá cảnh từ nước ngoài qua Việt Nam sang Lào. Tính riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. HCM), từ 1-2013 đến tháng 10-2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ vận chuyển trái phép ma túy.
Bên cạnh đó, tuy chưa phát hiện được vụ vận chuyển ma túy nào qua tuyến biển nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tuyến đường biển là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao. Do yêu cầu hội nhập quốc tế, hiện nay nhà nước ta đã tạo điều kiện thông thoáng về chính sách để các DN XNK thuận lợi và áp dụng biện pháp QLRR để phân luồng kiểm tra theo tỉ lệ hoặc miễn kiểm tra thực tế hàng hóa nên tội phạm ma túy đã lợi dụng chính sách này để vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.
Năm 2013 cũng đánh dấu bước phát triển mới trong công tác quản lí hoạt động XNK tiền chất, sử dụng tiền chất đối với một số DN có hoạt động XNK tiền chất của ngành Hải quan. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy-Bộ Công an tổ chức kiểm tra công quản lý và sử dụng tiền chất trong lĩnh vực y tế và công nghiệp tại một số DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh tiền chất, chất gây nghiện và chất hướng thần; kiểm tra liên ngành về công tác quản lí tiền chất XNK tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan Hải quan đã phát hiện trường hợp một DN có địa chỉ tại Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội NK 17 lô hàng tân dược Triprofen có chứa tiền chất Psseudoephedrine, không có giấy phép NK tân dược có chứa tiền chất do Bộ Y tế cấp. Tổng cục Hải quan đã giao Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành xác minh, điều tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các lô hàng NK không có giấy phép của DN này.
Chủ động đấu tranh
Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy (Đội 5)-Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Đức Long cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống ma túy đối với hoạt động Hải quan tại địa bàn biên giới, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xây dựng và kiểm tra công tác phòng, chống ma túy và tiền chất tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm.
Triển khai Kế hoạch đấu tranh phòng, chống ma túy tại địa bàn khu vực cửa khẩu trọng điểm như sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, khu vực cảng biển thuộc TP. HCM, Hải Phòng và vùng Tây Bắc bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu và các tỉnh Bắc miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy toàn ngành tăng cường tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác (Công an, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng), và tổ chức mật phục, truy đuổi, bắt giữ, xử lí nhiều vụ với nhiều đối tượng tội phạm ma túy trên địa bàn do từng đơn vị phụ trách.
Điển hình là chuyên án 01 Ah do Cục Phòng, chống tội phạm ma túy-Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan đồng trường ban đã tiến hành bắt giữ thành công 4 đối tượng, đều trú tại bản Pa Hốc, Mường Mày, Phong Xa Lỳ (Lào), thu giữ 34 bánh heroin, 15,3 kg bột heroin, 64,5 kg chất phụ gia dùng để điều chế chất ma túy, 7 máy xay heroin...
Kịp thời phát hiện thủ đoạn mới
Năm 2014, dự báo các đường dây ổ nhóm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia tiếp tục vận chuyển ma túy qua biên giới bằng các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Quý cho biết, ngành Hải quan tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh tại một số địa bàn trọng điểm, tăng cường điều tra, thu thập và xử lí thông tin, nắm bắt kịp thời những phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất qua biên giới.
Khảo sát, đề xuất trang bị phương tiện kĩ thuật chuyên dụng, đáp ứng việc thực hiện nghiệm vụ kiểm soát ma túy, tiền chất tại cửa khẩu. Phối hợp đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu cho lực lượng chuyên trách toàn ngành tại các trường đào tạo của Công an, Bộ đội Biên phòng... Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu thập thông tin, tài liệu từ các nguồn trong và ngoài nước để chủ động có phương án đấu tranh hiệu quả.