Một năm thương chiến Mỹ - Trung: "Núi lửa" luôn nóng
Ngày 6/7/2019 tròn một năm kể từ khi Mỹ và Trung Quốc đánh thuế kiểu "ăn miếng trả miếng. Trải qua hai lần đình chiến với hơn 10 vòng đàm phán, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ.
Ngày 6/7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc, đưa đến việc Trung Quốc đáp lại với các mức thuế tương tự đối với các sản phẩm của Mỹ. Chính quyền Trump cho biết thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.
Điều này đã dẫn đến một chuỗi các cuộc trả đũa của Trung Quốc và các mức thuế trừng phạt tăng dần do Mỹ áp đặt mặc dù hai bên đã tổ chức nhiều các cuộc đàm phán, nhưng dường như họ vẫn cách xa nhau trong các vấn đề chính.
Mỹ đã áp đặt mức thuế 10% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu khác từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào tháng 9/2018. Để đáp trả, Trung Quốc đã đánh thuế từ 5%-10% đối với một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD.
Sau khi Trung Quốc rút lại các cam kết mà nước này đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ đã tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% vào tháng 5/2019. Trung Quốc đã làm theo khi tăng thuế suất đối với danh mục hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD lên tới 25%.
Một năm sau khi bắt đầu cuộc chiến thuế quan tác động mạnh mẽ đến hệ thống thương mại toàn cầu, rất ít chuyên gia thương mại lạc quan về việc mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới.
Mặc dù đạt được thỏa thuận đình chiến thứ hai tại hội nghị G20 ở Osaka vào tuần trước, Mỹ và Trung Quốc dường như vẫn đang thực hiện rất ít sự thay đổi rõ ràng để thể hiện quyết tâm hóa giải xung đột thương mại như những gì họ đã nói.
Bắc Kinh khẳng định rằng điều kiện tiên quyết để đạt được một thỏa thuận là Mỹ xóa bỏ thuế quan hiện có đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Đồng thời, cũng rất khó để thấy Trung Quốc sẽ đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong việc thay đổi mô hình kinh tế của mình.
Điều này đã dẫn tới việc mối quan hệ thương mại giữa hai đối tác đã bị ảnh hưởng. Khi kiểm tra xem xuất khẩu của một số sản phẩm nhất định đã giảm bao nhiêu phần trăm trong một năm qua khi trở thành đối tượng áp dụng thuế cho đến tháng 4/2019, mức độ thiệt hại càng trở nên rõ ràng.
Nhiều chuyên gia nhận định, một cuộc chiến thương mại sẽ làm tổn thương một nhà xuất khẩu hơn là một nhà nhập khẩu. Do đó, với nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào thương mại song phương hơn là Mỹ, Trung Quốc đang chịu những thiệt hại nặng nề trong 1 năm qua.
Dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy, trong tháng 2/2019, sản lượng xuất khẩu đã suy giảm 20,7%, mức suy giảm lớn nhất trong 3 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Trung Quốc nếu không muốn bị mất thị phần tại Mỹ sẽ buộc phải hạ giá để cạnh tranh, qua đó cắt giảm lợi nhuận và chịu những thiệt hại nặng nề; hoặc chuyển nguồn cung khỏi Trung Quốc và chuyển các dây chuyền sản xuất của họ sang các nước an toàn hơn gây ra thất thoát việc làm và nguồn thu nhập.
Trong khi đó, Mỹ chịu một đòn nặng nề hơn, khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 38%, tương đương 23 tỷ USD. Mức giảm này tương đương với khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm sang Trung Quốc.
Thuế quan của Trung Quốc được áp dụng chủ yếu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và nhiên liệu hóa thạch có thể dễ dàng mua từ các quốc gia khác. Ngược lại, phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là những sản phẩm tích hợp không thể dễ dàng được cung cấp bởi các quốc gia khác với chi phí thấp tương tự.
Trong báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại Mỹ, nếu chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn trong vòng 10 năm tới, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại ít nhất 1.000 tỷ USD. Các hàng rào thuế quan sẽ làm giảm đáng kể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, cũng như tác động tiêu cực tới đầu tư và việc làm.
Sau một năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đẩy mạnh kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Trong khi đó, hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ tăng giá, khiến cho các sản phẩm của Mỹ mất đi tính cạnh tranh tại các thị trường nước ngoài. Đồng thời, việc thuế quan có khả năng vẫn được giữ nguyên ít nhất là trong thời điểm hiện tại, các nhà xuất khẩu ở cả hai nước sẽ tiếp tục chịu áp lực giá cả và cắt giảm chi phí, dẫn đến làn sóng chuyển dịch sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn.
Paul Arling, CEO của Universal Electronics Mỹ cho biết công ty của ông và hàng loạt doanh nghiệp Mỹ khác có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đang điều chỉnh và chuyển một phần hoạt động sang các nhà máy ở khu vực khác Mexico và các nước Đông Nam Á vào cuối tháng 6. Gerry Mattios, phó chủ tịch công ty tư vấn Bain & Company cho biết, các nhà lãnh đạo đều có thái độ chờ đợi và bắt đầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng của họ khi cuộc chiến không có dấu hiệu kết thúc.
Dong Tao, phó chủ tịch của Credit Suisse Private Bank cho khu vực Trung Quốc nhận định, 12 tháng qua đã chỉ là chương đầu tiên về một cuộc cạnh tranh siêu cường mới. Theo ông, sự khó lường của Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục là một trở ngại lớn để hai bên đi đến thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
"Ít nhất là trong ngắn hạn, tình trạng này sẽ không thay đổi. Đã có nhiều sự xoay chuyển tình thế trong năm vừa qua nhưng phong cách của Tổng thống Mỹ đã tác động cũng như kích hoạt sự thận trọng chung ở Washington đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc", ông nhận định.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại không chỉ do Tổng thống Trump phát động, ông đã có những cố vấn trong câu chuyện khơi mào chiến tranh với Trung Quốc, và một số trong số họ thậm chí còn táo bạo hơn Tổng thống Mỹ. Có thể nói sự hung hăng của chính quyền Mỹ cũng đã giảm kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra một thỏa thuận vào cuối năm nay.
Không bên nào có nhiều động lực để nhượng bộ vào lúc này. Do đó, việc Trung Quốc rút lại những cam kết mà họ đã đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại trước đó hầu như không gây ngạc nhiên. Trong khi đó, có lẽ Chính quyền Trump hầu như không cảm thấy sức ép khiến họ phải vội vàng tiến tới một thỏa thuận, nhất là nếu thỏa thuận đó không đáp ứng mục tiêu của họ.