Một số điểm mới trong quy định về thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính

Quang Huy

Nghị định số 118/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/12/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Nghị định quy định về hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt, chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhằm quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, trong đó có một số điểm mới đáng chú ý sau:

Thứ nhất, quy định nguyên tắc xác định hành vi đang thực hiện, hành vi đã kết thúc. Cụ thể: (i) Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính; (ii) Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước (khoản 1 Điều 8).

Thứ hai, quy định việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc: (i) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; (ii) Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Tuy nhiên, trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt (khoản 1 Điều 9).

Thứ ba, quy định mới về giao quyền cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, ngoài quy định về giao quyền xử phạt thì bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế; người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng (khoản 2 Điều 10).

Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (trước đây Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP không quy định về nội dung này nên gặp nhiều bất cập trong việc cấp trưởng giao quyền cho cấp phó).

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP cũng quy định về hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt (Điều 20), chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính (Điều 21).

Thứ tư, quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính như: (i) thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phạt hiện hành vi vi phạm hành chính; (ii) Việc ký biên bản vi phạm hành chính, trong đó, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định cụ thể chính quyền địa phương là cấp xã ký vào biên bản vi phạm hành chính và chỉ cần 01 người chứng kiến, đồng thời giải thích rõ người chứng kiến chỉ chứng kiến về việc cá nhân, tổ chức không ký vào biên bản.

Thứ năm, quy định rõ hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải có lệnh hoặc quyết định thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền, mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành

Liên quan đến lĩnh vực tài chính, Nghị định cũng quy định về hình thức, thủ tục thu, nộp tiền phạt (Điều 20), chứng từ thu, nộp tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính (Điều 21). Theo đó, Bộ Tài chính được giao: (i) Hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính và cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch (nếu có) trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính (khoản 6 Điều 20); (ii) Quy định cụ thể nội dung, hình thức biên lai thu tiền phạt và các chứng từ thu tiền phạt khác; tổ chức in, phát hành và quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính (khoản 7 Điều 21); Hướng dẫn, bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tổ chức triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 38).

Nghị định số 118/2021/NĐ-CP gồm 4 Chương 43 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.