Một số giải pháp để thực hiện hiệu quả chế độ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020

Chế độ bảo hiểm hưu trí hay chế độ trợ cấp tuổi già là một trong 9 chế độ bảo hiểm xã hội được Tổ chức Lao động quốc tế nêu trong Công ước số 102 ngày 4/6/1952 tại Giơ-ne -vơ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Việt Nam, cải cách chính sách bảo hiểm hưu trí phải được xác định là cốt lõi trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong cải cách hệ thống an sinh xã hội và trong cải cách hệ thống chính sách xã hội của đất nước. Bài viết khái quát quá trình hình thành, phát triển chế độ bảo hiểm hưu trí của Việt Nam, nhận diện một số khó khăn, thách thức đặt ra, đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả chế độ bảo hiểm hưu trí thời gian tới.

Lịch sử hình thành, phát triển chế độ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam

Giai đoạn 1945-1961

Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 54/SL ngày 01/11/1945 ấn định những điều kiện cho công chức về hưu: Công chức thuộc tất cả các ngạch trong nước Việt Nam, tại chức hay đang nghỉ việc vào bất cứ trường hợp nào đều phải về hưu mỗi khi có đủ một trong hai điều kiện (đủ 55 tuổi hoặc làm việc 30 năm).

Ngày 20/5/1950, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 76/SL quy định về quy chế công chức, điều kiện nghỉ hưu cơ bản như trên, nhưng nới rộng điều kiện nghỉ hưu đối với công chức các ngạch thuộc hạng lưu động về tuổi và thời gian làm việc (đủ 50 tuổi hoặc làm việc 25 năm). Thời kỳ này phạm vi, đối tượng áp dụng hẹp, chỉ giới hạn đối với công nhân viên chức nhà nước. Các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong đó có chế độ bảo hiểm hưu trí chưa được quy định một cách toàn diện, Quỹ BHXH chưa được hình thành.

Giai đoạn 1962-1985

Chính phủ ban hành Nghị định số 218/CP ngày 27/12/1961 kèm theo Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1962. Về tuổi nghỉ hưu quy định công nhân, viên chức nhà nước là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ điều kiện sau đây được hưởng chế độ hưu trí. Cụ thể, đối với lao động nam, thời gian công tác nói chung 25 năm, thời gian công tác liên tục 5 năm; đối với lao động nữ, thời gian công tác nói chung 20 năm, thời gian công tác liên tục 5 năm. Tuy nhiên, chưa đủ điều kiện về thời gian công tác nói chung, nhưng thời gian công tác liên tục đủ 15 năm.

Bên cạnh đó, một số trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn 5 tuổi, cụ thể:

- Nam đủ 55 tuổi, có thời gian công tác nói chung 20 năm, thời gian công tác liên tục 5 năm, nữ 50 tuổi, có thời gian công tác nói chung 15 năm, thời gian công tác liên tục 5 năm, làm việc đặc biệt nặng nhọc hay có hại sức khỏe liền trong 10 năm.

- Công nhân, viên chức nhà nước nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi, ốm yếu, không còn khả năng lao động, nếu thời gian công tác liên tục đủ 15 năm.

 Về tỷ lệ hưởng lương hưu quy định từ 45% đến tối đa là 75% tiền lương trước khi nghỉ hưu, lương hưu thấp nhất ấn định là 22 đồng một tháng.

Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với công nhân, viên chức nhà nước là bước đầu thực hiện Điều 32 của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959, nêu rõ quyền của người lao động được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, đánh dấu một bước phát triển quan trọng là tiền đề cho việc xây dựng chính sách, pháp luật BHXH sau này. Điều lệ tạm thời về BHXH bảo đảm những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức nhà nước trong những trường hợp tạm thời hay vĩnh viễn mất sức lao động và áp dụng thống nhất cho toàn thể công nhân, viên chức nhà nước.

Trong giai đoạn này, các chế độ đãi ngộ về BHXH trong điều lệ tạm thời chủ yếu dựa vào nguyên tắc phân phối theo lao động nhằm khuyến khích mọi người tăng cường kỷ luật lao động, đẩy mạnh sản xuất, góp phần ổn định lực lượng lao động cho các ngành kinh tế quốc dân phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của nước ta. 

 Giai đoạn 1985-1994

Ngày 18/9/1985 Chính phủ ban hành Nghị định số 236-HĐBT. Trong đó, quy định về độ tuổi nghỉ hưu của các đối tượng tham gia là công nhân viên, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn giữ nguyên quy định tại Nghị định 218. Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa thay đổi hơn so với Nghị định số 218 là 95%. 

Thời gian công tác để tính chế độ hưu trí, Nghị định quy định quy đổi một năm thực tế quy đổi thành một năm 2 tháng, 1 năm 4 tháng, 1 năm 6 tháng tùy thuộc điều kiện, tính chất công việc, nơi làm việc, cụ thể: Nam có từ đủ 30 năm quy đổi trở lên; Nữ có từ đủ 25 năm công tác quy đổi trở lên đủ điều kiện về thời gian công tác để hưởng chế độ hưu trí.

Đối với trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, có thời gian công tác quy đổi từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng chế độ mất sức lao động dài hạn, hoặc có thời hạn nếu đủ điều kiện theo quy định.

Quỹ BHXH được hình thành từ sự đóng góp của cơ quan, xí nghiệp và người lao động, với mức đóng bằng 13% so với quỹ lương. Trong đó, 8% chi cho 3 chế độ (mất sức lao động, hưu trí và tử tuất) được Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và thực hiện; 5% chi cho 3 chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) giao cho tổ chức Công đoàn quản lý và thực hiện.

Kinh phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trong thời kỳ này phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí thường bị động trong việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH.

 Giai đoạn 1995-2006

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách BHXH giai đoạn này được đổi mới, phát triển cùng sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ Luật Lao động được ban hành, có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/1995 đã dành 01 chương về BHXH, quy định về đối tượng được mở rộng; Quỹ BHXH được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của người sử dụng lao động (15% tổng quỹ lương) và người lao động (5% tiền lương, tiền công tháng); quỹ đã hoạt động theo nguyên tắc hạch toán, cân đối thu chi, độc lập với NSNN và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995, thực hiện BHXH đối với công chức, công nhân viên chức nhà nước và người lao động theo loại hình BHXH bắt buộc và Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995, thực hiện BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Về  đối tượng tham gia BHXH dần được mở rộng đến người lao động thuộc các thành phần kinh tế. Năm 1995 chỉ những người lao động làm việc trong khu vực nhà nước và trong các DN có sử dụng từ 10 lao động trở lên mới thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 2003 trở đi, DN sử dụng từ 01 lao động trở lên cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH.

Trong giai đoạn này, chế độ bảo hiểm hưu trí được quy định như sau: Độ tuổi hưởng lương hưu cơ bản như các quy định trước đây nhưng bãi bỏ chế độ mất sức lao động thay vào đó là chế độ nghỉ hưu trước tuổi quy định nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Tỷ lệ hưởng lương hưu quy định từ 45% đến tối đa là 75% thay vì 95% như quy định cũ; nếu về nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, theo đó cứ mỗi năm nghỉ trước tuổi quy định bị giảm trừ 2%;

Về thời gian công tác để tính chế độ hưu trí cũng có sự thay đổi căn bản, đó là tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH. Trong đó, thời gian công tác trước tháng 01 năm 1995 được coi là thời gian đã đóng BHXH. Thời gian đóng BHXH tối thiểu giai đoạn này quy định là từ đủ 15 năm.

Giai đoạn 2007-2015

Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật BHXH và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc, từ 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ 01/01/2009 đối với bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

-  Đối tượng tham gia tiếp tục được mở rộng đến lao động làm việc trong các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung loại hình BHXH tự nguyện, áp dụng từ 01/01/2008 trở đi hướng đến mọi công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách BHTN bảo vệ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

- Về chế độ bảo hiểm hưu trí: Tuổi đời vẫn không thay đổi so với quy định trước đây, vẫn quy định làm việc trong điều kiện bình thường, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; quy định nghỉ hưu trước tuổi quy định, nhưng tỷ lệ giảm trừ 1% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định, thay vì 2% như quy định trước đó. Thời gian đóng BHXH bắt buộc được cộng nối với thời gian đóng BHXH tự nguyện, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là đủ 20 năm.

- Về quỹ: Hình thành các quỹ thành phần gồm: Quỹ BHXH bắt buộc gồm Quỹ ốm đau, thai sản; Quỹ Tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất; Quỹ BHXH tự nguyện; Quỹ BHTN.

Giai đoạn 2016 đến nay

Ngày 20/11/2014, Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016, một số trường hợp thực hiện từ 01/01/2018. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến cả người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Từ ngày 01/1/2018 áp dụng đối với cả người lao động có hợp đồng lao động từ 01 đến dưới 03 tháng, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. BHXH tự nguyện mở rộng bao gồm công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Bổ sung các phương thức đóng BHXH tự nguyện theo hướng linh hoạt và bổ sung chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện (thực hiện từ năm 2018).

Một số giải pháp để thực hiện hiệu quả chế độ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam  - Ảnh 1

Về chế độ bảo hiểm hưu trí, quy định về lộ trình thay đổi cách tính lương hưu theo lộ trình đối với lao động nam và lao động nữ. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo thời điểm bắt đầu tham gia BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

BHXH quy định, tăng tỷ lệ giảm trừ đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định từ 1% lên 2% tương ứng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi đã góp phần cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất; từng bước đảm bảo công bằng hơn trong tham gia và thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng.

- Quỹ BHXH được chia thành các quỹ thành phần: quỹ ốm đau và thai sản; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ BHTN. Quỹ BHXH  độc lập với NSNN và do cơ quan BHXH quản lý.

Kết quả thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam

Từ 1995-2019, cơ quan BHXH đã giải quyết cho 2.559.776 người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, trong đó có 2.022.373 người hưởng lương hưu; 10.580.542 lượt người hưởng các khoản trợ cấp BHXH một lần, trong đó hưởng BHXH một lần là 8.584.544 người; trên 106.443.268 lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Đã chi trả cho 3.202.490 lượt người hưởng các chế độ BHTN. Hàng tháng, BHXH Việt Nam quản lý, tổ chức chi trả kịp thời cho hơn 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng do nguồn NSNN và Quỹ BHXH chi trả.

Quỹ BHXH được hình thành dựa trên sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp, quỹ hạch toán độc lập với NSNN. Đây là quỹ của người lao động, được Nhà nước hỗ trợ trong một số trường hợp và bảo hộ nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Thành lập hệ thống cơ quan BHXH giúp Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện các chế độ BHXH và quản lý quỹ BHXH, tách chức năng quản lý nhà nước và sự nghiệp về BHXH.

 Các chế độ chính sách BHXH nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng được thực hiện theo nguyên tắc đóng, hưởng và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội, tách dần BHXH ra khỏi chính sách bảo trợ, chính sách ưu đãi đối với người có công và các chính sách xã hội khác

Một số tồn tại, hạn chế

- Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy tăng, nhưng chưa đạt yêu cầu, số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng, dẫn đến  mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ /TW sẽ khó trở thành hiện thực, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

- Nợ BHXH vẫn ở mức cao, tình trạng trốn đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều địa phương, DN làm giảm diện bao phủ BHXH.

- Căn cứ đóng BHXH thấp, mới chỉ dựa trên khoảng 60% thu nhập thực tế người lao động nhận được. Tình trạng chỉ đóng BHXH bắt buộc trên mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức lương hưu thấp.

- Nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí chưa thể hiện đầy đủ tạo khoảng cách giữa mức lương hưu thấp nhất và cao nhất (có người nhận lương hưu trên 100 triệu/tháng, nhưng còn một nhóm lương hưu rất thấp dưới mức lương cơ sở).

- Việc điều chỉnh mức lương hưu thời gian qua còn mang tính cào bằng, chưa có giải pháp xử lý đối với nhóm có mức lương hưu thấp. 

- Quy định về độ tuổi nghỉ hưu thấp: Một số trường hợp cá biệt còn rất thấp như có trường hợp 38 tuổi đã được nghỉ hưu nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà trong đó có từ đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại; quy định về khám giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động và quá trình tổ chức thực hiện cũng còn bộc lộ nhiều bất cập như trường hợp kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, nhưng thực tế vẫn lao động, làm việc bình thường.

Giải pháp đẩy mạnh chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay

Để quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân quy định trong Hiến pháp 2013 thành hiện thực, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với chủ trương, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Nghị quyết số 28-NQ/TW nhấn mạnh, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Giai đoạn 1995-2019, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho 2.559.776 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng, có 2.022.373 người hưởng lương hưu; 10.580.542 lượt người hưởng các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trong đó hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 8.584.544 người; trên 106.443.268 lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; đã chi trả cho 3.202.490 lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với chế độ bảo hiểm hưu trí, Nghị quyết số 28-NQ/TW chủ trương thực hiện BHXH đa tầng, bổ sung thêm tầng “Trợ cấp hưu trí xã hội” tích hợp vào hệ thống BHXH có đóng góp cụ thể: NSNN cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc BHXH hàng tháng nhằm cụ thể hóa một bước quy định tại Khoản 2 Điều 59 Hiến pháp 2013  như sau: Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Mô hình bảo hiểm hưu trí đa tầng lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam là một bước đột phá trong chính sách BHXH sự kết hợp giữa BHXH có đóng góp là chủ yếu với một phần BHXH không đóng góp đuợc tài trợ từ thuế, nhằm đảm bảo cho người già đều có thu nhập tối thiểu đủ sống, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Mô hình này hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị an sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), 2012 (R202). 

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo tính toán của ILO, năm 2017, Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người từ đủ 60 tuổi trở lên, trong đó có tới 8,3 triệu người không được nhận hưu trí chiếm khoảng 83% số người cao tuổi.

Mặt khác, mức trợ cấp rất thấp, hiện nay là 270 ngàn đồng(khoảng 11,6 USD)/người/ tháng mới bằng khoảng 33,75% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn (800.000 đồng) hay bằng 27% chuẩn nghèo khu vực thành thị (1.000.000 đồng) chưa đủ mức sống tối thiểu; quy định độ tuổi hưởng chung đối với cả nam và nữ là 80 tuổi là khá cao, nên số người từ 61 đến 79 tuổi chưa được trợ cấp còn nhiều. Cũng theo tính toán của ILO, năm 2015, Việt Nam có 6,6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) trên một người già trên 60 tuổi, dự kiến đến năm 2055 sẽ còn 2,1 người trong độ tuổi lao động trên một người già là một thách thức rất rất lớn đối với hệ thống bảo hiểm hưu trí của Việt Nam.

Với mục tiêu BHXH toàn dân của Việt Nam cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bảo đảm rằng: mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tham gia và thụ hưởng BHXH, Nhà nước tạo hành lang pháp lý bảo đảm các quyền của người dân được thực hiện “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng quyền lợi bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Nhằm khắc phục mặt trái của chính sách cần có các giải pháp đồng bộ vận động để người dân tự giác tham gia, xây dựng để người dân có niềm tin, có thói quen, hình thành văn hóa “tự an sinh xã hội”, cùng chia sẻ, tham gia BHXH khi còn trẻ để về già được hưởng BHXH.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng-hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí; Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.

Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu và thực hiện nguyên tắc chia sẻ trong chế độ bảo hiểm hưu trí. Hiện nay, một số quốc gia quy định thời gian đóng BHXH tối tiểu để được nhận lương hưu rất thấp như Hàn quốc quy định là 10 năm và trong công thức tính lương hưu của Hàn Quốc cũng thể hiện rất rõ nguyên tắc chia sẻ đối với Việt Nam để cụ thể hóa chủ trương này của Đảng cần nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm của các nước để vừa bảo đảm quyền lợi của người lao động vừa bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ hưu trí và tử tuất.

Về nội dung mở rộng diện bao phủ BHXH, trước hết cần thay đổi nhận thức về việc bắt buộc tham gia BHXH theo hợp đồng lao động “hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết” theo nội dung cải cách chính sách BHXH đã nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, nhưng để cụ thể hóa thành pháp luật, do đó cần phải nghiên cứu, xây dựng thể chế, cơ chế kiểm soát thu nhập. Kiểm soát được thu nhập, cải cách mạnh mẽ chế độ bảo hiểm hưu trí theo hướng linh hoạt, thì sẽ huy động được nhiều người tham gia BHXH, mục tiêu BHXH toàn dân theo đó sẽ thành hiện thực.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Phát triển bảo hiểm hưu trí đa tầng ở Việt Nam, NXB Thế giới, 2019;
2. Báo cáo Chính phủ đánh giá dự báo tài chính Quỹ Hưu trí và tử tuất của Việt Nam tháng 6/2013 do Văn phòng ILO tại Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện;
3. Báo cáo tóm tắt các phương án thiết kế Hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam tháng 4/2019, do Ippei Tsuruga, Nuno Meira Simoes Cunha và Quỳnh Anh Nguyễn nhóm chuyên gia kỹ thuật cao cấp, tư vấn, Tổ chức Lao động Quốc tế;
4. Tài liệu Hội thảo quốc tế An sinh xã hội: Kinh nghiệm Nhật Bản và gợi mở cho Việt Nam, ngày 24/9/2013;
5. “Rút bảo hiểm xã hội một lần là tự tước lương hưu khi”, Báo Lao động Xã hội, số 57 ra ngày 12/5/2020.