Một số giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế thu học phí trong lĩnh vực dạy nghề

ThS. Đào Phan Cẩm Tú ThS. Trương Anh Dũng

TCTC Online - Để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và gấp rút nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo nguồn lao động có trình độ cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xuất khẩu lao động và hội nhập kinh tế quốc tế,̀ vấn đề đặt ra hiện nay là phải có nguồn lực lớn để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế, đòi hỏi phải đổi mới cơ chế thu phí.

Phí học nghề: Cơ chế thu còn nhiều bất cập

Trong một giai đoạn dài trước đây, dạy nghề chỉ được đầu tư ở mức rất thấp (chỉ khoảng 3-4% ngân sách GD-ĐT) nên mạng lưới hầu như không phát triển. Trong điều kiện như vậy, nhiều trường dạy nghề mạnh đã tiến hành nâng cấp, sáp nhập, chuyển đổi thành trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường ĐH,CĐ; trong khi các trường dạy nghề còn lại thì cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị thiếu và lạc hậu, quy mô bị thu hẹp...

Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên dạy nghề đã được phục hồi và có bước phát triển. Tuy nhiên, mức độ đầu tư vẫn còn thấp so với yêu cầu: NSNN đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề tuy có tăng, nhưng bình quân 5 năm qua mới đạt khoảng 6,6% trong tổng chi NSNN cho GD-ĐT; riêng năm 2009 chi NSNN cho dạy nghề đạt 8% trong tổng chi NSNN cho GD-ĐT, tương đương 0,4% GDP. Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan thống kê của Liên minh Châu Âu thì năm 2003 chi cho dạy nghề của các nước trong liên minh Châu Âu như Phần Lan là 1,1% GDP; Cộng hoà Séc, Hungary, Hà Lan, Slovakia là 1% GDP;  Thuỵ Sỹ là 0,8% GDP). Như vậy, tỷ lệ chi cho dạy nghề trên GDP của Việt Nam là quá thấp, chưa tạo động lực phát triển mạnh dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động có nghề cho sự nghiệp CNH, HĐH.

NSNN đầu tư cho dạy nghề giai đoạn 2001-2009

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nội dung

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

NSNN đầu tư cho GD-ĐT

19.747

22.541

28.835

34.872

42.943

54.798

71.336

81.419

91.595

NSNN đầu tư cho dạy nghề

968

1.240

1.644

2.162

2.791

3.671

4.993

6.106

7.328

Đầu tư cho dạy nghề trong CTMT QG GD-ĐT

105

140

168

265

425

630

870

1.000

1.200

% NSNN đầu tư cho dạy nghề trong Ngân sách GD-ĐT

5%

6%

6%

6%

7%

7%

7%

7,5%

8,0%

Nguồn: Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH

Một trong những nguồn tài chính đầu tư khá lớn cho dạy nghề thời gian qua là nguồn thu học phí (chiếm khoảng 18-20% tổng nguồn kinh phí đầu tư cho dạy nghề hàng năm). Tuy nhiên mức thu và cơ chế thu học phí học nghề hiện nay còn nhiều bất cập, cụ thể: 

- Chính sách học phí học nghề đã được ban hành từ năm 1998 với khung học phí từ 20.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng đến nay, mặc dù năm 2009 đã được điều chỉnh nhưng cũng mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự căn bản và không còn phù hợp với chính sách cải cách tiền lương, trong bối cảnh giá cả, mức sống nhân dân hiện nay đã thay đổi rất nhiều.

- Trong tương quan với các bậc học thì chi phí cho học sinh học nghề là tốn kém nhất do phải đầu tư lớn về cơ sở vật chất thiết bị, chi phí tốn kém về nguyên nhiên vật liệu thực hành (70-80% chương trình đào tạo là thực hành); đối tượng học chủ yếu là người nghèo ; tâm lý xã hội còn nặng nề về văn bằng, khoa cử (không muốn học nghề); chưa hấp dẫn các nhà đầu tư (vì nguồn thu ít, khả năng thu hồi vốn chậm…) nên XHH nguồn lực đầu tư rất khó khăn so với các bậc học khác. Tuy nhiên, khung học phí học nghề tối đa lại là thấp nhất là rất bất hợp lý.

- Chính sách học phí thấp, trong khi đầu tư từ ngân sách tăng không đáng kể (thậm chí bị cắt giảm như trường hợp của các cơ sở đào tạo thuộc doanh nghiệp nhà nước) đã gây khó khăn, ách tắc, ảnh hưởng không nhỏ tới yêu cầu về quy mô và chất lượng dạy nghề. Đặc biệt là ở một số lĩnh vực đòi hỏi chi phí đào tạo lớn, cơ hội việc làm và thu nhập cao có thể thu học phí ở mức cao hơn nhiều nhưng không được phép thu vựơt khung quy định. Trong khi ở một số cơ sở giáo dục nước ngoài, học phí cao còn thể hiện thương hiệu, chất lượng đào tạo của chính cơ sở đó.

- Việc áp dụng khung học phí chung cho tất cả các lĩnh vực, các nghề như hiện nay chưa phản ánh hết đặc thù chi phí đào tạo khác nhau của các nhóm nghề đào tạo, chưa thể hiện sự quan tâm ưu đãi tới người học trong những ngành nghề nặng nhọc, những ngành nghề cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước cần được khuyến khích phát triển nhưng có ít người theo học... ; chưa đảm bảo được sự bình đẳng giữa cơ sở dạy nghề công lập, ngoài công lập trong việc hỗ trợ cho đối tượng chính sách.

- Một số chính sách miễn, giảm học phí hiện nay không còn hợp lý. Các cơ sở dạy nghề phải tự thực hiện việc miễn, giảm học phí cho đối tượng chính sách, mà lẽ ra đây là trách nhiệm của Nhà nước, dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không đảm bảo chính sách cho người học, ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo của các trường.

Một số đề xuất

Qua thực tiễn công tác và quá trình nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để đổi mới cơ chế thu học phí dạy nghề trong thời gian tới là:

1. Về nguyên tắc xác định học phí học nghề

Học phí là khoản tiền mà người học hoặc gia đình của họ phải nộp để bảo đảm chi phí cho các hoạt động đào tạo. Học phí có sự phân biệt giữa chương trình đào tạo nghề và chương trình đào tạo nghề đặc thù, chất lượng cao. Học phí đối với cơ sở đào tạo công lập phải đảm bảo được chi lương và tiến tới đảm bảo được chi thường xuyên.

- Do dạy nghề có rất nhiều các nghề khác nhau (hiện có khoảng 385 nghề đào tạo trình độ trung cấp và 301 nghề đào tạo trình độ cao đẳng) nên học phí phải được xây dựng, tính toán được mức chi phí đào tạo theo từng trình độ, nghề và chất lượng đào tạo cho phù hợp với đặc thù của từng nghề.

2. Về cơ chế thu học phí học nghề

a) Đối với học phí học nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: Do hiện nay có hàng ngàn nghề đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên nên việc quy định học phí cho từng nghề hay từng nhóm nghề là rất khó. Do vậy học phí học nghề ở trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên nên tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện hành, đó là giao cho cơ sở dạy nghề được thu theo thỏa thuận với người học nghề.

b) Đối với học phí học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề:

- Học phí được thu trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo theo từng trình độ, nghề đào tạo và được thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Căn cứ vào khung giá dịch vụ dạy nghề được xác định cho từng nhóm nghề (hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ) để xác định mức thu học phí cụ thể theo nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, đó là: những năm đầu, tổng học phí của các cơ sở đào tạo công lập chiếm không quá 40% tổng chi thường xuyên, những năm sau tăng dần phù hợp với lộ trình đổi mới chính sách học phí; giảm 50% học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề; học sinh học nghề được vay tiền tại ngân hàng chính sách xã hội để học (Nghị quyết 35/2009/NQ-QH12 về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015).

Để đảm bảo chất lượng đào tạo thì nguồn kinh phí chi thường xuyên của các cơ sở dạy nghề phải được đảm bảo. Trên cơ sở chi phí đào tạo nghề xác định được trừ đi phần học phí có thể thu của người học theo lộ trình nhất định, số kinh phí chi thường xuyên thiếu hụt còn lại NSNN các cấp phải đảm bảo hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nghề.

c) Học phí đối với những nghề đặc thù có chi phí đào tạo cao như dạy nghề hàn 3G, 6G... và đào tạo những nghề đặc thù (như lái xe ôtô...) thì phần chi phí tăng thêm để có chất lượng cao hơn sẽ do người học chi trả theo hợp đồng với cơ sở đào tạo.

d) Đối với cơ sở dạy nghề ngoài công lập, học phí phải đảm bảo trang trải các chi phí cần thiết, có tích lũy để đầu tư phát triển ; đối với cơ sở dạy nghề công lập, học phí là khoản bổ sung cùng với NSNN và các nguồn khác để đảm bảo chi phí đào tạo.

đ) Nhà nước đảm bảo ngân sách để thực hiện chế độ miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh học ở ngành nghề Nhà nước khuyến khích đào tạo, ngành nghề nặng nhọc, độc hại khó tuyển… trong các cơ sở dạy nghề (không kể đó là cơ sở công lập hay ngoài công lập).