Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên bờ vực suy thoái
Cùng với những điểm suy yếu tồn tại trước đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến một số nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Phiên cuối tuần trước, lực bán tăng mạnh khiến chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất hơn 1%. Nhiều chỉ số chứng khoán lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sáng nay cũng mất 1 - 3%. Không khó để nhận ra nguyên nhân chính là dịch virus Covid-19 đang có xu hướng lan rộng, buộc các chính phủ phải đóng cửa thị trấn, thành phố có dịch, đồng thời bị một số quốc gia khác đóng cửa biên giới qua lại.
Cùng với những điểm suy yếu tồn tại trước đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến một số nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Điển hình là Nhật Bản. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ghi nhận GDP giảm 1,6% trong quý IV/2019 do tác động của việc tăng thuế tiêu thụ và thiên tai. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014. Triển vọng kinh tế Nhật Bản phục hồi trong quý I năm nay lại càng u ám hơn khi nhiều chuyên gia lo sợ Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái trong thời gian tới.
Tiếp theo là Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu không tăng trưởng trong những tháng cuối năm ngoái do lĩnh vực sản xuất gặp khó trong bối cảnh doanh số bán ôtô toàn cầu giảm, thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và Anh rời Liên minh châu Âu. Kết quả, chỉ số thể hiện niềm tin vào nền kinh tế của nước này giảm mạnh xuống 8,7 điểm trong tháng 2, từ mức 26,7 điểm của tháng trước. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, xuất khẩu hàng hóa Đức bắt đầu bị ảnh hưởng vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước này. Giới chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank cho rằng kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020.
Ngoài Nhật Bản và Đức, chuyên gia kinh tế Ethan Harris của Bank of America nêu ra một số nền kinh tế nhỏ hơn cũng đang bị ảnh hưởng lớn. Hong Kong đang suy thoái với GDP năm 2019 giảm 1,2% lần đầu tiên trong 10 năm qua.
Tại Đông Nam Á, Singapore có thể sớm chịu chung số phận khi Bộ Công thương hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống -0,5% - 1,5%. Tốc độ tăng trưởng GDP của Indonesia trong quý IV/2019 đã chạm đáy 3 năm. Malaysia cũng ghi nhận tăng trưởng GDP cùng quý chậm nhất trong một thập kỷ qua.
Với Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Diana Choyleva của Enodo Economics cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoàn toàn có thể rơi vào suy thoái do sức ép của dịch Covid-19.