TRẢ LỜI BẠN ĐỌC:

Một số thắc mắc về tính thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng

Dương Thị Ninh - Vụ chính sách Thuế - Bộ Tài chính

(Tài chính) Thắc mắc của một số bạn đọc hỏi về thuế TNCN và thuế GTGT, chúng tôi đã trao đổi với chuyên gia thuế và trả lời các bạn như sau:

1. Bạn đọc tại hòm thư điện tử thang241070@yahoo.com hỏi:  Thu nhập năm 2013 của tôi có tháng cao và tháng thấp, tổng thu nhập cả năm là 326 triệu đồng. Tôi có 4 người phụ thuộc (2 đứa con nhỏ và hai bà mẹ già). Vậy tôi phải đóng thuế thu  nhập cá nhân (TNCN) là bao nhiêu. Xin cám ơn.

Trả lời:

“Do câu hỏi chưa rõ Bạn là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú theo quy định của Luật thuế TNCN, và Bạn thuộc trường hợp tự quyết toán hay ủy quyền quyết toán thuế TNCN theo quy định và thu nhập năm 2013 của bạn bao gồm thu nhập từ những nguồn nào nên chúng tôi xin trả lời nguyên tắc như sau:
Giả định rằng Bạn là cá nhân cư trú và thuộc diện tự quyết toán thuế TNCN, thu nhập mà Bạn nhận được trong năm 2013 là thu nhập từ tiền lương tiền công và 4 người phụ thuộc mà Bạn có trách nhiệm nuôi dưỡng đều đáp ứng điều kiện về người phụ thuộc để được tính giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật về thuế TNCN. Do Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế TNCN có hiệu lực từ 01/7/2013, trong đó, có sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh (mức giảm trừ cho bản thân người nộp được điều chỉnh nâng từ 4 tr đ/tháng lên 9 triệu đồng /tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng) nên cách xác định thu nhập tính thuế có sự khác nhau giữa 6 tháng đầu năm 2013 với 6 tháng cuối năm. Giả định rằng thu nhập nhận được (sau khi đã giảm trừ các khoản đóng góp bắt buộc) của 6 tháng đầu năm với 6 tháng cuối năm của Bạn là như nhau (bằng 326 triệu đồng/2 = 163 triệu đồng) thì theo quy định của pháp luật về thuế TNCN, cách xác định số thuế TNCN mà Bạn phải đóng được tính như sau:
a) Xác định thu nhập tính thuế của 6 tháng đầu năm 2013:
- Tổng TN chịu thuế 6 tháng: 163 triệu đồng.
- Tính các khoản giảm trừ gia cảnh là:
 (4 triệu đồng. x 6 tháng) + ( 1,6 triệu đồng x 4 x 6 tháng) = 62,4 triệu đồng.
- Tính TN tính thuế của 6 tháng đầu năm:
 163 triệu đồng – 62,4 triệu đồng = 100,6 triệu đồng

b) Xác định thu nhập tính thuế của 6 tháng cuối năm 2013:

- Tổng TN chịu thuế 6 tháng: 163 triệu đồng
- Tính các khoản giảm trừ gia cảnh là:
 (9 triệu đồng x 6 tháng) + ( 3,6 triệu đồng. x 4 x 6 tháng) = 140,4 triệu đồng.
- Tính TN tính thuế của 6 tháng cuối năm 2013:
 163 triệu đồng – 140,4 triệu đồng = 22,6 triệu đồng

c) Tổng TN tính thuế cả năm 2013 là:

100,6 triệu đồng + 22,6 triệu đồng = 123,2 triệu đồng

d) Số thuế TNCN phải nộp trong năm 2013 là:
(60 triệu đồng x 5%) + (120 triệu đồng - 60 triệu đồng) x 10% + (123,2 triệu đồng - 120 triệu đồng) x 15% = 9,48 triệu đồng.

Bạn phải nộp thuế TNCN cho năm 2013 là 9,48 triệu đồng.

2. Bạn đọc tại hòm thư điện tử nhungvan931@gmail.com hỏi: Tôi ở nhà trông 2 con nhỏ và mẹ chồng 80 tuổi, tôi có mở cửa hàng bán đồ dùng hoc sinh. Chồng tôi làm thêm về sửa chữa máy tính, nên đăng ký thuế kinh doanh khoán hộ gia đình là "sửa chữa thiết bị văn phòng, photo copy làm ngoài giờ", Chỉ 2-3 tháng mới ghi 1 hóa đơn GTGT 2-3 triệu và phải cộng thuế TNCN vào hóa đơn và chịu thuế GTGT cho ngành nghề kinh doanh foto 7%, như vậy đúng hay sai?.

Trả lời:

Do câu hỏi của bạn không rõ nên chưa có cơ sở để trả lời chuẩn xác. Để biết quy định cụ thể về chính sách thuế TNCN và thuế GTGT đối với hộ khoán, bạn có thể tìm đọc quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 Hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN (Điều 8) và tham khảo thêm quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013.

3. Bạn đọc tại hòm thư điện tử nguyenthidan.tb@gmail.com hỏi: Công ty tôi là công ty du lịch lữ hành. Bên tôi có tổ chức các tour đi nước ngoài. Ví dụ: tổng tiền tour là 100 triệu (chưa có GTGT) trong đó có 50 triệu là tiền vé đi nước ngoài với thuế suất 0%. Vì vậy khi xuất hóa đơn, tôi chia thành: Tiền tour không chịu thuế: 50triệu; Tiền tour chịu thuế: 50 triệu. Cộng tiền hàng: 100 triệu. Thuế VAT 10%: 5 triệu. Tổng tiền thanh toán: 105 triệu. Như vậy khi khai trên bảng kê PL01-1GTGT thì khai như thế nào ạ?

Trả lời:

Bạn kê khai giá trị và tiền thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ (HHDV) bán ra trong kỳ, căn cứ vào Bảng kê hóa đơn GTGT của HHDV bán ra mẫu số 01-1/GTGT. Căn cứ để lập dựa vào hoá đơn GTGT bán ra trong kỳ tính thuế, bạn kê khai toàn bộ hoá đơn GTGT đã xuất bán trong kỳ.

* Cách lập Bảng kê hóa đơn HHDV bán ra mẫu số 01-1/GTGT:
- Mục 1,2,3,4: Khai các hóa đơn bán HHDV phát sinh trong kỳ, theo từng nhóm HHDV: HHDV không chịu thuế, HHDV chịu thuế với các mức thuế suất 0%, 5%, 10% => Số liệu tổng hợp về doanh thu và tiền thuế GTGT tại phần này được dùng để lập Tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT tại các chỉ tiêu tương ứng;
- Mục 5: HHDV không phải tổng hợp trên TK 01/GTGT:
+ Khai các hóa đơn bán HHDV bán đại lý đối với đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng => Số liệu không đưa lên TK thuế GTGT;
+ Khai các hóa đơn xuất trả hàng ủy thác nhập khẩu => Số liệu không đưa lên TK thuế GTGT.

Trường hợp Công ty bạn có tổng tiền tour là 100 triệu (chưa bao gồm GTGT), trong đó có 50 triệu là tiền vé đi nước ngoài với thuế suất 0% và 50 triệu tiền vé chịu thuế GTGT với thuế suất 10% thì khi khai trên bảng kê 01-1/GTGT bạn sẽ kê 50 triệu tiền vé đi nước ngoài với thuế suất 0% vào Mục 2 Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 0% và 50 triệu tiền vé chịu thuế GTGT với thuế suất 10% vào Mục 4 Hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% của Bảng kê.

* Câu hỏi 1 đã được chuyên gia đính chính phần trả lời. Xin chân thành cảm ơn bạn đọc đã góp ý.