"Mưa" cổ phiếu từ cổ tức ngân hàng
Hàng chục nghìn tỷ đồng cổ tức bằng cổ phiếu sắp được các ngân hàng chia cho cổ đông tới đây và sẽ còn kéo dài trong kế hoạch nửa cuối năm 2021.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) sẽ phát hành hơn 979,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn đầu tiên theo kế hoạch của ngân hàng trong năm nay.
Ở lần tăng vốn thứ 2, MBB dự kiến nâng mức vốn điều lệ thêm tối đa 700 tỷ đồng thông qua việc chào bán riêng lẻ cho một số nhà đầu tư được MBB lựa chọn như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (tối đa 43 triệu cổ phiếu) và Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu).
Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, MBB dự kiến dành 4.783 tỷ đồng đề đầu tư tăng năng lực (đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MBB tại khu vực TP.HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng); và 5.905 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới, …).
Năm 2021, MBB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 13.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Kế hoạch này dựa trên mục tiêu tổng tài sản tăng 11%; tín dụng tăng trưởng trong khoảng 10 - 11%; tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,5%. Trong trường hợp dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 sẽ tăng trưởng quanh mức 10%.
Kết thúc quý I/2021, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất ước đạt trên 4.600 tỷ đồng, tương đương 43% kết quả 2020. Các chỉ số chính riêng ngân hàng đều tốt hơn cùng kỳ 2020 như: ROA khoảng 2,7% (quý I/2020 là 1,59%); ROE khoảng 27,24% (quý I/2020 là 16,09%), tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,14%; trích lập dự phòng đầy đủ, quỹ dự phòng bao phủ duy trì trên 144% nợ xấu…
Chốt phiên giao dịch ngày 24/6, giá cổ phiếu MBB đạt mức giá 42.000 đ/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 22 triệu đơn vị cổ phiếu. So với hồi đầu năm, cổ phiếu này đã tăng giá hơn 82%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG) sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019, với tỷ lệ cổ tức chi trả là 29,0695%.
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ngân hàng đã thông qua 2 phương án chia cổ tức. Theo đó, cả 2 phương án đều có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt là 5% vốn điều lệ. Phần còn lại sẽ có tỷ lệ là 17,8% đối với trường hợp chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017, 2018 và 12,6% đối với trường hợp đã hoàn thành.
Về kế hoạch trong năm 2021, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ dự kiến là 16.800 tỷ đồng; tăng trưởng tổng tài sản 6%-10%; dư nợ tín dụng tăng trưởng tối đa là 7,5% theo phê duyệt của NHNN và tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng duy trì ở mức nhỏ hơn 1,5%.
Kết thúc quý I/2021, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế đạt 8.060 tỷ đồng, tăng 171% so cùng kỳ năm 2020. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 69,3% xuống còn 1.350 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 0,88%, thấp hơn so với mức cuối năm 2020 (0,94%).
Chốt phiên giao dịch ngày 24/6, giá cổ phiếu CTG đạt 53.400 đ/cổ phiếu, tăng 1,3% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch ghi nhận hơn 24 triệu đơn vị cổ phiếu. So với hồi đầu năm, cổ phiếu nhà băng này cũng đã tăng trưởng 51%.
Hay như, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HoSE: VPB) cũng vừa quyết định lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 13/7/2021.
Trong khi đó, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra cách đây chưa đầy hai tháng, VPB đã trình và được cổ đông thông qua việc không chia cổ tức năm 2020 (chi trả trong năm 2021). Ngân hàng sẽ để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích quỹ bắt buộc 8.851 tỷ đồng nhằm giữ nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của nhà băng này là hơn 17.415 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020 và tiếp tục tăng lên 20.617 tỷ đồng tính đến cuối quý I vừa qua. Trong khi quy mô vốn điều lệ ở thời điểm hiện tại của VPB xấp xỉ 25.300 tỷ đồng.
Nhờ thông tin tích cực từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho đối tác SMBC của Nhật Bản và làn sóng tăng chung của cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu VPB đã tăng giá mạnh sau cuộc họp cổ đông hôm 28/4, từ mức 55.000 đ/cổ phiếu lên đỉnh giá mới (72.000 đồng/cổ phiếu) hôm 7/6.
Đây cũng là một trong các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong xu hướng điều chỉnh của cổ phiếu nhóm này thời gian qua. Song giá đóng cửa cổ phiếu VPB ngày 24/6 là 68.600 đ/cổ phiếu, vẫn tăng 24,7% từ thời điểm tổ chức đại hội và gấp đôi so với đầu năm.
Nhiều TCTD tín dụng cho biết, năm nay các ngân hàng chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì cả tiền mặt như trước, vừa giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, có thể tăng quy mô vốn điều lệ như mục tiêu của một số tổ chức.
Quan trọng hơn, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vua, đã giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên có giá hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư, cổ đông theo đó cũng hào hứng đón nhận, mong đợi cổ tức được chia là cổ phiếu hơn là bằng tiền mặt.
Trong nửa đầu năm 2021, cổ phiếu ngành ngân hàng trở thành tâm điểm và động lực chủ yếu giúp các chỉ số trên thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian qua. Có những ngân hàng có mức tăng trưởng giá lên tới 100% như VPB, VIB, NVB, SSB, LPB.
Trong khi đó, cổ phiếu các ngân hàng nhỏ cũng có mức tăng trưởng khá ấn tượng từ đầu năm từ khoảng 70 - 80%, đặc biệt trong tháng 5 như BVB, VBB, ABB, NAB, EIB hay SGB...