Mua hàng nước ngoài qua mạng: Chọn sai một li, đi một dặm
Mua hàng hóa xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hay trang web của các thương hiệu nước ngoài không còn là hình thức mua sắm xa lạ với người Việt Nam. Lợi ích của hình thức này là khách hàng có đa dạng sự chọn lựa hàng hóa so với chỉ mua ở thị trường Việt Nam. Song, cách mua hàng này cũng gây ra rủi ro khi mua hàng như sản phẩm không như ý, thất lạc hàng hóa, hạn chế khi đổi trả, hay chi phí thuế cao.
Nhờ vào sự phát triển của các trang TMĐT cùng phương thức thanh toán dễ dàng thông qua các loại thẻ thanh toán quốc tế, người tiêu dùng hiện nay có thể chọn mua hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trước khi mua hàng, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về những điều khoản, chính sách từ phía sàn TMĐT cũng như các thủ tục, thuế tại Việt Nam.
Trải nghiệm không vui
Mua hàng hóa trên các trang TMĐT nước ngoài thông qua nhiều bước trong quá trình giao dịch vì thế rất nhiều khách hàng có trải nghiệm mua hàng gián đoạn trên hành trình mua hàng thông qua các trang này.
Chị Thùy Dương, nhân viên truyền thông (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết đã từng đặt mua các loại sách trên trang TMĐT Amazon. Tuy đã trả tiền mua hàng và phí vận chuyển nhưng nửa năm sau vẫn không thấy hàng được chuyển về Việt Nam. Liên lạc với bộ phận chăm sóc khách hàng của Amazon thì nhận được câu trả lời; “hàng đã được chuyển tới đại lý giao nhận” nhưng sau đó vẫn không nhận được hàng. Chị Dương nhận định, Amazon có trụ sở ở Mỹ nên quãng đường vận chuyển xa, dễ làm thất lạc hàng hóa và khách hàng Việt Nam không xác định được bên nào đang chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa để làm việc trực tiếp.
Tương tự, chị Lan Phương, nhân viên marketing (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cũng gặp tình huống tương tự khi cả ba lần mua hàng hóa từ nước ngoài thông qua các trang TMĐT như Amazon, Walmart đều bị thất lạc hàng hóa.
Chị Hạnh An, giảng viên một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, thì gặp rắc rối với sản phẩm do sai lệch thông tin. Cụ thể, chị từng mua sản phẩm trên trang web của thương hiệu thời trang Asos nhưng sản phẩm thực nhận về không giống như hình ảnh trên trang web nên khá thất vọng. Lần khác, chị Hạnh An đặt một đôi giày, tuy đã cẩn thận tra cứu đổi từ size châu Âu sang Việt Nam nhưng khi nhận được hàng vẫn không thể mang vì giày rất rộng.
Những điều cần lưu ý
Chị Kim Huệ, một người kinh doanh dịch vụ đặt hàng nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết có rất nhiều điều cần lưu ý khi đặt hàng hóa từ nước ngoài thông qua các trang TMĐT hay các trang web của hãng. Đầu tiên là tìm hiểu kỹ uy tín của người bán. Tuy rằng, những trang TMĐT nước ngoài thường có quy định chặt chẽ khi cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng trên sàn TMĐT của họ, vẫn còn đó những trường hợp bán hàng chất lượng kém.
Do đó, chị Kim Huệ cho rằng, khách hàng Việt Nam cần tìm hiểu kỹ về uy tín của những người bán hàng thông qua việc đọc lời bình luận về sản phẩm của những người từng mua và các ý kiến đánh giá gian hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cần có một trình độ ngoại ngữ nhất định để đọc kỹ thông tin sản phẩm, trò chuyện và hỏi thêm người bán. Đặc biệt lưu ý về kích cỡ sản phẩm, nhất là đối với mặt hàng thời trang vì kích cỡ theo quy chuẩn của châu Âu, Mỹ sẽ khác với Việt Nam.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng bị thất lạc hàng khi mua, chị Kim Huệ thường thuê một đơn vị vận chuyển có chi nhánh tại Việt Nam để họ thực hiện dịch vụ vận chuyển. Cụ thể, mỗi khi mua hàng tại Amazon, Walmart, Target, Costco hay Macy’s chị Kim Huệ đều chọn lựa dịch vụ vận chuyển của hãng BlueExpress. Quy trình vận chuyển bao gồm, sau khi khách hàng hoàn tất mua hàng hóa tại các trang TMĐT, hàng hóa này sẽ được chuyển đến BlueExpress tại Mỹ. Từ đây, hàng hóa sẽ được chuyển về Việt Nam đến chi nhánh BlueExpress Việt Nam.
Ngoài ra, thuế đánh lên mỗi loại hàng hóa có thể dao động từ 5% đến 30% giá trị món hàng (không tính trên giá được khuyến mãi) tùy loại. Theo chị Kim Huệ, đôi khi giá trị món hàng mua không cao nhưng bị đánh thuế cao gây tốn kém hoặc có nhiều khách hàng muốn được miễn phí vận chuyển nên gộp nhiều đơn hàng mua một lần để có hóa đơn đủ số tiền được miễn phí thì lại bị đánh thuế.
Còn chị Ngọc Minh, nhân viên quan hệ công chúng (quận 2,TP. Hồ Chí Minh), sau khi tìm hiểu kỹ lại trên mạng thì phát hiện đơn hàng của chị bị đánh thuế không hợp lý nhưng không biết nên khiếu nại với ai để được giải quyết. Đôi lúc, tiền thuế quá cao gần bằng tiền hàng hóa nên đành không nhận hàng mà trả lại cho bên bán. Do đó, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về số tiền thuế cần nộp cho cơ quan Hải quan trước khi quyết định mua sản phẩm.
Về chính sách đổi trả, tuy nhiều trang TMĐT có chính sách hoàn tiền khi khách hàng đổi trả hàng hóa nhưng chi phí chuyển hàng trả từ bưu điện khá cao, đôi khi còn cao hơn sản phẩm nên nhiều khách hàng đành ngậm ngùi không đổi và chịu tốn kém với món hàng không sử dụng được.
Do đó, khách hàng cần cẩn thận khi quyết định lựa chọn sản phẩm, không ỷ lại vào việc đổi trả hàng hóa vì nếu quốc gia mà khách hàng mua hàng hóa ở xa thì nhiều khả năng chi phí chuyển trả hàng sẽ cao.
Như vậy, để mua hàng xuyên biên giới thành công, khách hàng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán hàng, các loại thủ tục và chi phí thuế nhằm tránh các rủi ro gây mất thời gian và tiền bạc khi mua hàng.