Mức phát triển nào khả thi nhất với các tập đoàn kinh tế Việt Nam?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Với ba kịch bản được đưa ra: thấp, trung bình và cao, các tập đoàn kinh tế Việt Nam được nhận định đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2014-2020 là 14,23%/năm sẽ khả thi nhất.

Các tập đoàn kinh tế Việt Nam được nhận định đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2014-2020 là 14,23%/năm. Nguồn: internet
Các tập đoàn kinh tế Việt Nam được nhận định đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2014-2020 là 14,23%/năm. Nguồn: internet

Phát triển chưa tương xứng

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/2/2015, ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp thuộc CIEM cho biết, các tập đoàn kinh tế nhà nước đang chiếm tỷ lệ áp đảo về quy mô (có tới 15 vị trí trong top 20 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam) và giữ vị trí thống trị những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: 99% trong sản xuất phân bón, 97% trong khai thác than; 94% trong sản xuất điện, ga; 91% trong truyền thông và 88% trong lĩnh vực bảo hiểm. Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn của khu vực tư nhân lại rất nhỏ so với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể: năm 2013 chỉ có 5 tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỷ đồng và 8 tập đoàn kinh tế có quy mô tài sản trên 10.000 tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu của 8 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất chỉ bằng 15,5% tổng vốn chủ sở hữu của 8 tập đoàn kinh tế nhà nước.

Theo đánh giá của ông Dũng, các tập đoàn nhà nước hiện nay vẫn quá coi trọng quy mô, hoạt động đa ngành nghề mà không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi; vượt quá năng lực tài chính, quản trị… Kết cục, hiệu quả hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước chưa tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ. 

Đánh giá về mức độ an toàn tài chính, ông Dũng chỉ ra rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân có mức độ sử dụng hiệu quả vốn chủ sở hữu tốt hơn so với các tập đoàn kinh tế nhà nước. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm của 20 tập đoàn kinh tế lớn nhất thuộc khu vực kinh tế tư nhân đạt 8,45% năm 2012 và 12,27% năm 2013. Còn tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước ước đạt 5,28% năm 2012 và 7,30% năm 2013.

Một vấn đề nữa được các đại biểu trong Hội thảo nhắc tới đó là sự yếu kém trong cơ chế giám sát. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, sự giám sát, kiểm soát ở doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng vẫn còn yếu kém. Cho nên nhiều người lạm dụng quyền lực bằng các cách tinh vi, như: thành lập những công ty gia đình, công ty bạn bè, công ty thân hữu để chuyển những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp sân trước, sân sau của mình. Người ta tạo ra cái gọi là doanh nghiệp trong doanh nghiệp để tạo ra những giao dịch mang tính hình thức. Ông Cung nhấn mạnh: “Họ mua thì đắt, bán thì rẻ, lạm dụng chức vụ, quyền lực để phục vụ tối đa cho lợi ích của nhóm”.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Cung cho biết, cần thiết phải thị trường hóa, tự do hóa để các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập thể chế, cơ chế giám sát để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng chức quyền, mưu lợi riêng cho nhóm, cá nhân.

3 kịch bản phát triển cho các tập đoàn

Dự báo về sự phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam, Báo cáo của CIEM về Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tập đoàn kinh tế ở Việt Nam đưa ra 3 kịch bản: thấp, trung bình và cao đối với 2 chỉ tiêu doanh thu bình quân và quy mô lao động bình quân.

Cụ thể là: Đối với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các tập đoàn kinh tế, bình quân giai đoạn 2014-2020 chỉ tăng 12,68%/năm, 14,23%/năm và 15,79%/năm ở kịch bản thấp, trung bình và cao. Doanh thu bình quân sẽ đạt “đỉnh” vào giai đoạn 2018-2019 đối với tất cả các kịch bản, nhưng sau đó sẽ giảm dần. Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng lao động bình quân, trong giai đoạn 2014-2016 xu hướng cắt giảm là chủ đạo, nhưng theo hướng cải thiện dần. Ở kịch bản cao, năm 2016, tốc độ tăng trưởng lao động bình quân của các tập đoàn kinh tế đạt khoảng 3,12%. Trong khi đó, ở kịch bản trung bình, kịch bản thấp thì tăng trưởng lao động dương sẽ bắt đầu lần lượt vào năm 2017, 2018 với mức tăng lần lượt là 1,07% và 5,12%.

Khi so sánh 3 kịch bản phát triển đối với tập đoàn kinh tế trong mối tương quan với “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế, của chất lượng và mô hình tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, kịch bản trung bình dường như là khả thi nhất trong giai đoạn phát triển tới của tập đoàn kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ở bất kỳ kịch bản nào, các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam cũng cần phải hướng đến sự phát triển bền vững. Cụ thể: Cần phát triển một số tập đoàn kinh tế mang tầm khu vực với nhiều thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; Đẩy mạnh tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; Tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính...