Mục tiêu cuối cùng: Ổn định thị trường vàng miếng
Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét tr
Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP sắp tới.
Tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng tiếp tục nhận được sự quan tâm. Chia sẻ về chính sách này, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được ban hành từ năm 2012 giúp ổn định kinh vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ.
Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường, song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành Ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng. “Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã phát huy được mục tiêu quan trọng nhất là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ. Tuy vậy, theo Phó Thống đốc, Nghị định này đã ra đời 11 năm, hiện điều kiện kinh tế - xã hội nay cũng đã thay đổi. Vì thế, việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là cần thiết.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, trong thời điểm 2011-2012 kinh tế vĩ mô rối loạn, lạm phát hai con số. Đặc biệt chống lại tình trạng buôn lậu vàng rất lớn qua biên giới, nếu không lựa chọn một thương hiệu vàng quốc gia mà để các công ty vàng khác nhập khẩu vô tội vạ vàng vào Việt Nam sẽ gây tốn kém rất nhiều ngoại tệ.
Chưa nói đến việc họ còn tích trữ vàng làm tăng tâm lý kỳ vọng thị trường. Nên quyết định lựa chọn vàng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia là phù hợp với bối cảnh lúc đó. Còn đến thời điểm này, khi bối cảnh thay đổi thì việc cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế mới cho chính sách này là cần thiết.
Đồng quan điểm, TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, ngay cả Luật Đất đai, Luật Các TCTD là những bộ luật vô cùng quan trọng như thế mà một vài năm lại phải chỉnh sửa. Cho nên một nghị định về vàng đã tồn tại 11 năm thì nay có những vấn đề cần phải chỉnh sửa để cho phù hợp hơn cũng là điều bình thường.
Đối với đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới NHNN sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, Phó Thống đốc cho biết.
Thông tin thêm về chính sách này, ông Đào Xuân Tuấn cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới. “Đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng”, ông Đào Xuân Tuấn khẳng định.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng. Hiện nay, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.
Trên thực tế, theo giới chuyên môn và ngay cả các nhà vàng cũng thừa nhận, thị trường vàng những ngày qua biến động chủ yếu do tâm lý, nhu cầu giao dịch vàng không cao. Đặc biệt sau công điện của Thủ tướng cũng nhấn mạnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư lướt sóng vàng thời điểm này rất rủi ro, nhất là giá vàng thế giới biến động mạnh, trong khi biên độ chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn đang được các nhà vàng giữ khoảng cách khá xa.
Để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Thống đốc NHNN vừa ban hành Quyết định số 02/QĐ-NHNN sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN, quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.