Mục tiêu năm 2013: Phát triển KT-XH bền vững và thực hiện dự toán NSNN năm 2014
(Tài chính) Trong tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn như hiện nay, để đạt được các chỉ tiêu do Quốc hội phê duyệt, vực dậy nền kinh tế, gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đặc biệt là tìm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế và bảo trợ xã hội… Chính phủ phải đưa ra các quyết sách khả thi đòi hỏi mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi người dân đều phải nghiêm túc thực hiện.

Gần đây, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê chuẩn. Những mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng yêu cầu là: Hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trước ngày 30/6; tiếp tục giảm lãi suất cho vay, phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cả năm 2013; rà soát điều chỉnh thuế; công khai thông tin về giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu; tăng cường chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ chi ngân sách,..
Nửa năm, đã trôi qua, có nhiều mục tiêu đã đạt được như: Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng 6 tháng tăng 2,4%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 7,1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao. Thị trường vàng từng bước được kiểm soát có hiệu quả. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao, 6 tháng đạt hơn 62 tỷ USD, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 10 tỷ USD, tăng gần 16%; giải ngân đạt trên 5,4 tỷ USD. Vốn ODA giải ngân 6 tháng ước đạt 2,2 tỷ USD, bằng 51,1% kế hoạch cả năm, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 4,9%, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (4,93%) nhưng quý II đã có mức tăng 5%, cao hơn quý I (4,76%). Sản xuất công nghiệp từng bước được cải thiện. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh, nhất là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá nông sản giảm nhưng nhiều sản phẩm có mức gia tăng cao, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng khoảng 2,4%. Khu vực dịch vụ phát triển khá cao; trong đó, tổng mức lưu chuyển bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II tăng cao hơn quý I; tăng trưởng khu vực dịch vụ quý II đạt 6,16%, cao hơn quý I (5,65%) và tính chung 6 tháng ước đạt 5,92%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2012 (5,29%).
Trong điều kiện NSNN còn eo hẹp, Chính phủ vẫn đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Dư nợ tín dụng chính sách đến cuối tháng 6 ước đạt trên 118 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, tập trung vào cho vay ưu đãi hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm. Đã thực hiện trợ cấp thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu đối tượng với tổng kinh phí 9.000 tỷ đồng, xuất cấp không thu tiền gần 45.000 tấn gạo cứu đói. Trong 6 tháng đã tạo được trên 720.000 việc làm mới. Đã đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết khiếu tố, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác đối ngoại. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, kinh tế xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô và việc kiểm soát lạm phát chưa thật vững chắc. Nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, sức mua phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp tăng trưởng thấp. Tăng trưởng kinh tế mới đạt mức tương đương cùng kỳ. Tiến độ thu NSNN và tổng đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân chưa được cải thiện nhiều, nhất là hộ nghèo…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong năm 2013 và hoàn thành được dự toán năm 2014, ngày 25/06/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Nội dung cụ thể như sau:
- Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải đồng bộ triển khai các nhiệm vụ, nội dung chủ yếu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và chống tham nhũng, lãng phí.
+ Về phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực canh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6%. Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
+ Về phát triển xã hội, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Việc phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, xây dựng môi trường sống lành mạnh và an toàn cũng được Thủ tướng đề cập trong Chỉ thị.
+ Ngoài ra, Chỉ thị còn nêu rõ một số yêu cầu về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại tố cáo và về công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh.
- Thủ tướng cũng đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là: xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước, xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước và xây dựng dự toán ngân sách địa phương các cấp. Cùng với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải chủ động đánh giá, phân tích cụ thể kết quả đạt được và những yếu kém trong quản lý điều hành thu, chi ngân sách năm 2013, từ đó có kế hoạch ứng phó trong năm 2014.