Thủ tướng Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan

Vũ Thu

Chiều 16/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan với chủ đề “Một cộng một trên ba kết nối”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan. Ảnh: VGP

Môi trường đầu tư - kinh doanh không ngừng cải thiện

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025; điều này đã cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2023. Các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư 767 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, đứng thứ 9/150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngược lại, Việt Nam cũng đã đầu tư 22 dự án tại Thái Lan với tổng vốn gần 35 triệu USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Thái Lan đối với sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp Thái Lan đối với sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các đại biểu cho rằng, dư địa, tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn rất lớn. Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn, thông qua tích cực triển khai Chiến lược Ba kết nối gồm kết nối chuỗi cung ứng (tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực chiến lược như kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng); kết nối hạ tầng giao thông (đẩy mạnh hợp tác trong vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế phía Nam); kết nối kinh tế và văn hóa (thúc đẩy giao lưu nhân dân, du lịch, giáo dục và văn hóa, tạo cầu nối hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc).

Với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch…

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho rằng, hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu. Việc hai nước vừa thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ, trong đó trọng tâm là thúc đẩy chuỗi giá trị kinh tế, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.

Thủ tướng Thái Lan cho rằng hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu. Ảnh: VGP
Thủ tướng Thái Lan cho rằng hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu. Ảnh: VGP

Về thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Thái Lan trên thế giới và lớn thứ 2 trong ASEAN. Còn Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN. Về đầu tư, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư hơn 14 tỷ USD. Cùng lúc đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng ngày càng mở rộng đầu tư vào Thái Lan.

“Nền kinh tế Thái Lan và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và nhiều doanh nghiệp tham gia vào cùng một chuỗi giá trị với hơn 50% thương mại Thái Lan - Việt Nam là nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô và linh kiện hỗ trợ các ngành sản xuất phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng kinh tế của nước này là cơ hội của nước kia”, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nói.

Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích của các nhà đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ truyền thống giữa hai nước có từ lâu đời, đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều năm hoạt động tại Thái Lan, nhiều di tích liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được giữ gìn trên đất Thái Lan. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh những nội hàm quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước: Ổn định bền vững, phát triển bền vững, tương lai bền vững; hợp tác không có giới hạn vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển, vì độc lập, tự do của hai nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Cũng theo Thủ tướng, 2025 là năm Việt Nam thực hiện “tăng tốc, bứt phá, về đích” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Trên tinh thần đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh, tạo đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia...

Các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan năm 2025. Ảnh: VGP
Các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan năm 2025. Ảnh: VGP

Để tiếp tục nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đang tập trung thực hiện quyết liệt nhiều nhóm giải pháp trên tinh thần 3 thông: “Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”. Quốc hội Việt Nam đang chuẩn bị ban hành 2 Nghị quyết về xây dựng, thực thi pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng với đó, triển khai sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo hướng bỏ các cấp trung gian không cần thiết, bảo đảm bộ máy hoạt động thông suốt; chuyển mạnh trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh kết nối hạ tầng thông suốt giữa các tỉnh, các vùng, kết nối quốc gia, quốc tế theo hướng đồng bộ, hiện đại...

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển. Với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc”, không ngừng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia cũng như mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Thái Lan. “Chính phủ Việt Nam bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; phát huy “3 cùng” gồm: Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển; cùng chung niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào”, Thủ tướng khẳng định.