Mức xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định thế nào?
Thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường; vận chuyển vật liệu để rơi vãi ra môi trường; không phân loại chất thải rắn sinh hoạt... bị xử phạt theo các mức phạt hành chính cụ thể theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ.
Hành vi thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường có thể bị phạt đến 2 triệu đồng
Theo đó, theo khoản 2 Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng.
Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Vận chuyển vật liệu để rơi vãi ra môi trường có thể bị phạt đến 4 triệu đồng
Hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Không phân loại chất thải rắn sinh hoạt bị phạt tới 1 triệu đồng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 26 Nghị định quy định về hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp thông thường đã được phân loại theo quy định; không có thiết bị, dụng cụ, khu vực, kho lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định.
Hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với các hành vi sau: Không đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định; Không ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt;
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi sau: Vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đến đúng điểm tập kết, trạm trung chuyển, địa điểm đã quy định, cơ sở xử lý chất thải theo quy định; Vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đúng tuyến đường, thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh; Không phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến đường thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Không công bố rộng rãi thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; Không thông báo tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trên địa bàn về thời gian đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt để giám sát theo quy định...
Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp
Hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hay nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường sẽ bị xử phạt cao hơn.
Cụ thể, hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Trong khi hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022, thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.