Muốn có cơ hội phải mạo hiểm

Theo saigondautu.com.vn

Một số quỹ đầu tư giờ đây chấp nhận giải ngân mà không cần phải nhìn rõ những sự phục hồi của nền kinh tế. Đó cũng là một trong những lý do TTCK vẫn có những diễn biến tích cực, bất chấp những thách thức nền kinh tế đang đối mặt.

 Muốn có cơ hội phải mạo hiểm
Xu hướng phân hóa trên thị trường ngày càng rõ nét chứ không còn “một màu” cùng tăng cùng giảm như trước. Nguồn: Internet

Hết hàng blue chip

Dù trên cả 2 sàn HOSE và HNX có hơn chục cổ phiếu ngành điện, nhưng dòng tiền của các tổ chức đầu tư vẫn chỉ tập trung vào 2 mã chính là VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) và PPC (Nhiệt điện Phả Lại). Đây là 2 cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản dồi dào, hoạt động kinh doanh ổn định nên rất phù hợp với tiêu chí giải ngân của các quỹ.

Trong khi đó, SJD (Thủy điện Cần Đơn) hiện có vốn điều lệ (VĐL) xấp xỉ 360 tỷ đồng, vốn hóa khoảng gần 700 tỷ đồng, thanh khoản mỗi phiên vài chục ngàn cổ phiếu, chỉ có thể xem là một cổ phiếu thuộc nhóm midcap (cổ phiếu tầm trung).

Chỉ cần nhìn vào cơ cấu cổ đông và thực hiện một vài phép tính toán đơn giản, cũng có thể thấy số lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường của các doanh nghiệp niêm yết hàng đầu hiện như như Vinamilk (VNM), Dược Hậu Giang (DHG) hay GAS (PVGas) là khá ít ỏi so với nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, cổ đông khi mua vào những cổ phiếu này với giá hợp lý cũng chẳng muốn bán ra nữa. Nếu không có thêm “hàng mới” có chất lượng, thị trường chứng khoán (TTCK) có thể xảy ra hiện tượng “ứ đọng” cả tiền lẫn hàng.

Midcap và penny (cổ phiếu tầm nhỏ) là những cổ phiếu các quỹ đầu tư khá e ngại do có những rủi ro liên quan đến thanh khoản, quản trị, kiểm soát… Thế nên, việc Quỹ Mutual Fund Elite đẩy mạnh mua vào SJD và trở thành cổ đông lớn với 8% cổ phần có thể xem như một sự “phá cách”.

Ngày 4/6 vừa qua, cũng chính Mutual Fund Elite đã trở thành cổ đông lớn của BIC (Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV) sau khi tổng số cổ phiếu nắm giữ đạt 4,16 triệu cổ phiếu, tương đương 6,31% cổ phần. BIC có VĐL 660 tỷ đồng, giá trị vốn hóa ở mức 730 tỷ đồng và đây cũng là một cổ phiếu “dòng” midcap.

Từ đầu năm đến nay, PET (Petrosetco) là một trong những cổ phiếu “nổi” nhất thị trường khi tăng giá gần 150% trong 6 tháng, thu hút được dòng tiền cả trong và ngoài nước. Mới đây, PET cũng đã lọt vào rổ tính chỉ số của quỹ ETF là FTSE Vietnam Index.

Có thể xem PET là một cổ phiếu “lai” giữa blue chip và midcap. Hơn 1 tháng trước, Quỹ Halley Sicav đã gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại PET từ hơn 5% lên gần 6,7% (tương đương 4,6 triệu cổ phiếu). Bỏ qua một chút “thiếu” về quy mô vốn, thanh khoản thì SJD, BIC, PET đều cho thấy những tiềm năng kinh doanh của mình.

Với SJD là hoạt động kinh doanh ổn định, BIC cũng chứng tỏ được phần nào những lợi thế kinh doanh trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ, còn PET là nhà phân phối điện thoại di động và các sản phẩm điện tử với quy mô lớn.

Hơn nữa, việc những blue chip hàng đầu như VNM, DHG, FPT… đã “hết chỗ” (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, nên càng thúc đẩy các quỹ đầu tư chọn những cổ phiếu ở mức giàu tiềm năng và đang trên đà phát triển. Vẫn biết các quỹ “hạ chuẩn” để đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ có thể xuất hiện rủi ro, nhưng rủi ro lại đi kèm với lợi nhuận hấp dẫn.

Cái giá của mạo hiểm

Một số quỹ đầu tư giờ đây chấp nhận giải ngân mà không cần phải nhìn rõ những sự phục hồi của nền kinh tế. Đó cũng là một trong những lý do TTCK vẫn có những diễn biến tích cực, bất chấp những thách thức nền kinh tế đang đối mặt. Nếu nhìn rộng hơn các thương vụ giao dịch trên sàn lẫn dưới sàn, những công ty thu hút các quỹ đầu tư thường có những đặc điểm như thị phần lớn, dòng tiền ổn định rồi mới đến quy mô vốn, lợi nhuận…

Chính vì vậy các ngành như bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ, bảo hiểm, ngân hàng luôn tạo ra sức hút đầu tư bất kể diễn biến của TTCK như thế nào. Cứ cho là những doanh nghiệp lớn và đầu ngành như Tổng công ty Thép, Petrolimex, BIDV, MHB… vẫn đang trong quá trình củng cố sức mạnh sau khi cổ phần hóa hoặc e ngại TTCK không thuận lợi, nhưng nhà đầu tư đã chấp nhận “hạ chuẩn” mua vào, vậy tại sao cầu chưa gặp được cung? Các doanh nghiệp hàng đầu cũng phải chọn cách lên sàn sao cho xứng với vị thế của mình chứ không đơn thuần lên sàn chỉ để cổ phiếu có thanh khoản.

Nhưng vấn đề ở đây là nhà đầu tư nói chung và cổ đông của doanh nghiệp cần biết lý do rõ ràng. Chẳng hạn vì sao doanh nghiệp chưa niêm yết? Nếu phải đợi thì đến bao giờ? Và trong thời gian chưa niêm yết doanh nghiệp sẽ làm gì để bảo đảm thời gian tới lên sàn sẽ tốt hơn lúc này?

Cần tránh tình trạng khi tiến hành IPO nêu lộ trình niêm yết rõ ràng, nhưng sau lại thay đổi với lý do đưa ra không thực sự thuyết phục. Nếu nhìn lại thị trường từ đầu năm đến nay, rõ ràng doanh nghiệp nào có ý định niêm yết do e ngại TTCK không thuận lợi rõ ràng đã bị hớ nặng. Và phải thẳng thắn xác định rằng, sự thành công của các doanh nghiệp niêm yết lúc này cũng như về sau phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.

Xu hướng phân hóa trên TTCK ngày càng rõ nét chứ không còn “một màu” cùng tăng cùng giảm như trước. Khi các quỹ đầu tư đã chấp nhận đổ tiền vào hàng midcap, thậm chí penny, “hàng lớn” hay “hàng xịn” dù quan trọng nhưng cũng không ở vị thế độc tôn nữa.

Nếu không mua được cổ phiếu lớn, thì các quỹ đầu tư có thể tìm những cổ phiếu “sắp lớn” hay “sẽ lớn” để giải ngân. Vậy nên, cẩn trọng quá đôi khi trở thành… mạo hiểm, và mạo hiểm một cách có chừng mực có khi lại trở thành cơ hội. Các doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ buộc phải chọn lựa và chấp nhận cuộc chơi.