Mỹ dọa tung đòn trừng phạt "chiến lược", cắt đứt Nga khỏi chuỗi công nghệ phương Tây
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói rằng nếu Nga xâm chiếm Ukraine, Mỹ sẽ "cắt đứt nước này khỏi công nghệ phương Tây, một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển quân sự".
Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên chiến với Ukraine, đưa quân qua biên giới vào Ukraine.
Trước diễn biến này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo Nga để ngăn cản xung đột leo thang.
Giờ đây, khi Nga đã xâm chiếm Ukraine, Mỹ có thể tung ra một đợt trừng phạt khác bằng cách ngăn cản nước này tiếp cận nguồn cung chất bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.
Mỹ là quê hương của những tên tuổi lớn nhất thế giới trong ngành bán dẫn - chẳng hạn như Intel, Qualcomm và Nvidia - và các công ty của Mỹ cũng tạo ra phần mềm mà các đối thủ nước ngoài sử dụng để thiết kế chip.
Việc ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào các công cụ thiết kế quan trọng của Mỹ và chip có thể làm tê liệt ngành công nghệ của Nga. Tất cả công nghệ hiện đại, bao gồm ô tô, điện thoại thông minh và tên lửa, đều phụ thuộc vào nguồn cung chip bên ngoài.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp Mỹ đã cảnh báo rằng việc sử dụng chip và chất bán dẫn như một biện pháp chống lại Nga sẽ mang đến nhiều rủi ro tiềm ẩn.
"Chúng tôi vẫn đang cố gắng đánh giá tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu", Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ cho biết, sau khi Nhà Trắng lần đầu tiên nêu ra khả năng vũ khí hóa nguồn cung cấp chip.
Nhà Trắng đã nói gì?
Hôm thứ Tư, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói với CNBC rằng nếu Nga xâm chiếm Ukraine, Mỹ sẽ "cắt đứt nước này khỏi công nghệ phương Tây, một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển quân sự".
Nhà Trắng chưa cho biết rõ ràng họ sẽ cô lập Nga với công nghệ phương Tây như thế nào. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng các biện pháp kiểm soát đối với xuất khẩu chất bán dẫn sẽ là trọng tâm của bất kỳ biện pháp mới nào được Washington công bố.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có cố gắng cắt nguồn cung cấp chất bán dẫn cho tất cả các doanh nghiệp của Nga hay liệu Nhà Trắng đang nhắm mục tiêu vào các công ty liên quan đến quân đội Nga, cũng như các ngành mang lại lợi ích chiến lược quan trọng.
Ông Putin từng xác định trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử - hai lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip nước ngoài - là chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của Nga.
Điều này đã xảy ra trước đây?
Trước đây, Mỹ đã sử dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn như một vũ khí chống lại nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies của Trung Quốc.
Vào tháng 5/2020, khi chính quyền ông Trump tiếp tục chiến dịch chống lại Huawei, Bộ Thương mại đã cấm các nhà cung cấp bán chip cho Huawei nếu công nghệ của Mỹ được sử dụng trong bất kỳ phần nào trong quá trình phát triển chip.
Lệnh cấm vận đã cắt đứt một cách hiệu quả quyền truy cập của Huawei vào các con chip tiên tiến được thiết kế bằng phần mềm của Mỹ.
Việc phong tỏa đã làm suy yếu hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty, buộc Huawei phải bán một trong những đơn vị điện thoại giá rẻ và hướng bộ phận tiêu dùng của mình tập trung vào công nghệ xe hơi thông minh.
Tuy nhiên, việc nhắm mục tiêu vào một công ty sẽ dễ kiểm soát hơn việc đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng loạt trên toàn bộ quốc gia.
Liệu nó sẽ hoạt động?
Mặc dù Mỹ thống trị thị trường phần mềm thiết kế chip, nhưng các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới thực sự đang ở châu Á. Ngay cả những gã khổng lồ về chip của Mỹ như Intel cũng thuê nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Taiwan Semiconductor Manufacturing Corp (TSMC).
Khi Mỹ ra lệnh cấm bán chip cho Huawei, chính TSMC đã tuân thủ và cắt đứt quan hệ với Huawei. Trong khi TSMC đánh mất khách hàng Huawei, công ty vẫn có thể khắc phục tình trạng mất doanh thu do lợi nhuận từ việc bán hàng cho các công ty Mỹ, như Apple.
Tuy nhiên, trước đây, Mỹ chưa bao giờ phát động phong tỏa chip đối với toàn bộ quốc gia — hoặc toàn bộ ngành công nghiệp trong một quốc gia.
Paul Triolo, người đứng đầu bộ phần chính sách công nghệ tại tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge Group, nói với Politico rằng nếu Mỹ vũ khí hóa vị trí dẫn đầu của họ trong lĩnh vực thiết kế chip, thì điều này có thể khiến các đối thủ tăng tốc phát triển doanh nghiệp thiết kế của riêng họ.
Dù vậy, rủi ro đó vẫn có thể mất một vài năm để giải quyết. Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD trong nhiều thập kỷ để cố gắng bắt kịp vị thế thống trị chip của Mỹ và vẫn còn chưa thể đạt được.
Về cơ bản, Nga sẽ có ít đồng minh để trợ giúp nếu Mỹ áp đặt lệnh cấm. Mặc dù Trung Quốc có khả năng sản xuất chip cấp thấp cho ô tô, nhưng nước này không thể sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến quan trọng đối với sự phát triển siêu máy tính và máy tính lượng tử, vốn được ông Putin coi là ngành công nghiệp chiến lược.
Trong khi đó, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan được cho là đã thể hiện sự ủng hộ đối với một lệnh cấm vận quy mô rộng đối với Nga. Đài Loan là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, trong khi Nhật Bản có thế mạnh về sản xuất chip ô tô. Singapore cũng là nơi sản xuất chính của Qualcomm.
Lệnh cấm sẽ làm tổn thương Mỹ?
Mặc dù Mỹ chiếm ưu thế trong lĩnh vực này nhưng sản xuất chất bán dẫn là một ngành công nghiệp toàn cầu và nước này không tránh khỏi các cuộc tấn công vào nguồn cung cấp chip của chính họ.
Ukraine là một nước xuất khẩu lớn khí neon tinh khiết, được sử dụng trong thiết bị laser để khắc các thiết kế mạch lên tấm silicon, tạo ra các con chip. Ukraine tinh chế neon và các khí quan trọng đối với sản xuất chip từ các sản phẩm thu được qua quá trình sản xuất thép của Nga. Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, chi phí của đèn neon đã tăng 600% chỉ sau một đêm.
Nga cũng là nhà sản xuất palladium kim loại hàng đầu thế giới, được sử dụng trong chất bán dẫn, sản xuất hơn 45% nguồn cung toàn cầu. Giá mặt hàng này tăng 52% kể từ giữa tháng 12 do căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.
Nếu Mỹ cố gắng cắt đứt quyền truy cập của Nga vào chip, Nga có thể dễ dàng trả đũa và gây sức ép lại.