Mỹ lật tẩy gần 4.500 tài khoản mật trong nhà băng Thụy Sỹ

MAI PHƯƠNG

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS cuối cùng đã chấp nhận tiết lộ cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) danh tính khách hàng của 4.450 tài khoản bí mật mở tại nhà băng này.

Sắp tới, những chủ nhân giàu có, vốn là công dân Mỹ, của những tài khoản “đen” này sẽ bị các cơ quan chức năng Mỹ khởi tố hình sự vì tội trốn thuế.

Theo một quan chức của IRS, có thời điểm, những tài khoản bí mật nói trên chứa tổng số tiền lên tới 18 tỷ USD và nhiều tài khoản trong số này đã bị đóng.

Chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận giữa UBS và IRS được đưa ra, Chính phủ Thụy Sỹ cũng tuyên bố sẽ bán lại cổ phần 9% tại UBS. Số cổ phần này trị giá hơn 5 tỷ USD và là khoản rót vốn cứu trợ của Chính phủ Thụy Sỹ dành cho UBS vào tháng 10 năm ngoái.

Vụ “lùm xùm” về thuế giữa Mỹ và UBS được dư luận bắt đầu biết tới rộng rãi vào đầu năm nay, khi các nhà điều tra của Mỹ lên tiếng cáo buộc UBS đã giúp các khách hàng Mỹ che giấu bất hợp pháp số tiền hàng chục tỷ USD để trốn thuế. Ban đầu, Bộ Tư pháp Mỹ đòi UBS phải công bố danh tính của 52.000 khách hàng và buộc nhà băng này phải nộp số tiền phạt lên tới 780 triệu USD nếu không muốn bị đem ra truy tố.

Sau đó, UBS đã cung cấp danh tính của một số lượng hạn chế khách hàng, nhưng phía Mỹ không đồng ý và rục rịch khởi động các biện pháp “rắn” bằng luật pháp để buộc UBS phải mở rộng hơn cánh cửa bí mật.

Tuy nhiên, tuần trước, các nhà chức trách Mỹ cho biết sẽ từ bỏ ý định kiện UBS ra tòa một khi UBS chấp nhận công bố danh tính khách hàng. IRS tin tưởng, những chủ tài khoản bị UBS sắp tiết lộ danh tính trong vụ này sẽ chính là những nhân vật từng bị nghi ngờ nhiều nhất về việc giấu giếm tài sản mật tại Thụy Sỹ.

“Thỏa thuận giải quyết vụ việc bên ngoài tòa án giúp tránh một trận chiến pháp lý kéo dài có thể dẫn tới một kết quả khó đoán định. UBS tới lúc này có thể tiếp tục quá trình củng cố hoạt động trong điều kiện không vướng những rắc rối pháp luật”, Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ nhận định.

Trước khi đạt thỏa thuận với IRS, UBS đã rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không công bố thông tin khách hàng, UBS vi phạm pháp luật Mỹ, còn nếu làm vậy, ngân hàng này lại phạm luật giữ bí mật thông tin của Thụy Sỹ.

Từ lâu, Thụy Sỹ đã được biết tới với tư cách một thiên đường trốn thuế. Không giống như những quốc gia khác, ở Thụy Sỹ có sự phân biệt giữa trốn thuế và gian lận thuế. Theo luật của Thụy Sỹ, trốn thuế là việc che giấu tài sản có chủ định, còn gian lận thuế ngoài việc trốn thuế còn bao gồm việc cung cấp thông tin sai lệch trên các tài liệu chính thức. Tại hầu hết các quốc gia, cả hai tội này đều là tội hình sự, nhưng ở Thụy Sỹ, trốn thuế chỉ là vấn đề dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thụy Sỹ Eveline Widmer-Schlumpf cho rằng, thỏa thuận giữa UBS và IRS đã chấm dứt nguy cơ ngân hàng này bị khởi tố hình sự, và “không có sự lựa chọn thay thế nào khác cho giải pháp này”.

Tuy nhiên, cũng theo bà Widmer-Schlumpf, những khách hàng sắp bị công bố danh tính trước IRS có thể phản đối sự tiết lộ thông tin của họ trước toà án liên bang Thụy Sỹ. Theo vị Bộ trưởng này, dù UBS và IRS có đạt thỏa thuận thì luật pháp của Thụy Sỹ “vẫn nguyên vẹn”.