Mỹ tăng sức ép thương mại lên EU
EU và Mỹ đã tranh cãi trong hơn 10 năm qua về những cáo buộc trợ cấp trái phép dành cho các hãng máy bay Airbus và Boeing
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 8/4 công bố danh sách hàng hóa trị giá 11 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) có thể bị Washington đánh thuế bổ sung để đáp trả hành vi "trợ cấp trái phép" của EU trong lĩnh vực sản xuất máy bay. Hãng Boeing (Mỹ), đối thủ của Airbus và chính quyền Mỹ lâu nay cáo buộc các trợ cấp của EU giúp Airbus có lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thị trường máy bay hành khách quốc tế.
Với động thái trên, tuyên bố của USTR cho biết Mỹ đang khởi động tiến trình trả đũa các trợ cấp của EU, vốn bị cáo buộc gây thiệt hại 11 tỷ USD cho nước này. Theo tuyên bố của USTR, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá những trợ cấp của EU gây tác động bất lợi đến Washington. "Mục tiêu của chúng tôi là đạt thỏa thuận với EU nhằm chấm dứt toàn bộ trợ cấp dành cho máy bay dân dụng cỡ lớn trái với quy định của WTO. Khi EU chấm dứt những trợ cấp có hại này, các biện pháp thuế quan bổ sung của Mỹ có thể được dỡ bỏ" - Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh.
EU và Mỹ đã tranh cãi trong hơn 10 năm qua về những cáo buộc trợ cấp trái phép dành cho các hãng máy bay Airbus và Boeing và đưa vụ việc lên WTO. Theo Reuters, cả hai bên đều bị phát hiện trợ cấp hàng tỉ USD cho 2 hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu. WTO vào năm ngoái cho biết sẽ xem xét đề nghị của Mỹ về việc đánh thuế nhiều tỷ USD nhằm vào hàng hóa châu Âu sau khi tổ chức này phán quyết EU trợ cấp bất hợp pháp cho việc sản xuất các mẫu A380 và A350 của hãng Airbus, gây thiệt hại cho doanh số của Boeing.
Tuyên bố của USTR cáo buộc EU vẫn giữ nguyên hầu hết khoản trợ cấp, thậm chí còn gia tăng hỗ trợ kể từ khi kiện cáo nhau tại WTO. USTR sẽ công bố danh sách cuối cùng các mặt hàng của EU bị đánh thuế bổ sung sau khi được WTO bật đèn xanh trong quyết định cuối cùng dự kiến được công bố vào mùa hè năm nay - một động thái cho thấy niềm tin hiếm hoi của Washington vào tổ chức từng bị Tổng thống Donald Trump công kích. Theo Reuters, danh sách ban đầu nói trên gồm những sản phẩm như máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay, các sản phẩm sữa, phô mai, trực thăng…
Giá trị hàng hóa bị đánh thuế nói trên không là gì nếu so với quy mô cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã đánh thuế nhằm vào 360 tỉ USD hàng hóa của nhau trong 9 tháng qua. Dù vậy, bước đi mới nhất của USTR đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và EU trong cuộc đối đầu thương mại.
Trước đó, EU đã đánh thuế trả đũa nhằm vào 3,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ theo sau quyết định hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm của ông Trump. Bà Laurence Boone, chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cuối tuần rồi nhận định một khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại thì nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ chuyển sang gia tăng sức ép lên EU.
Đáng chú ý, theo đài CNBC, là các nhà thương thảo Mỹ và châu Âu hiện còn bất đồng về những nội dung của một thỏa thuận thương mại tiềm tàng. Vào tháng 7/2018, ông chủ Nhà Trắng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại trong tương lai. Dù vậy, hai bên cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc có nên đưa sản phẩm nông nghiệp vào thỏa thuận hay không. Theo bà Laurence Boone, trong lúc Mỹ ủng hộ thì châu Âu lại không muốn sản phẩm nông nghiệp được đề cập trong thỏa thuận.