Năm 2013, chủ động và linh hoạt trong điều hành giá
(Tài chính) Sáng ngày 04/01/2013, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện chương trình công tác năm 2012 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2013”. Nhận định về công tác quản lý, điều hành giá năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu khẳng định, áp lực tăng giá sẽ phức tạp và khó khăn hơn nên cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành.
Trong báo cáo Tổng kết do ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá trình bày tại Hội nghị đã khẳng định: Tuy tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2012 có những diễn biến
phức tạp, công tác tham mưu về các giải pháp tài chính nói chung, giải
pháp quản lý giá, bình ổn giá nói riêng gặp khó khăn, nhưng nhờ sự chỉ
đạo trực tiếp sát sao của Bộ, Cục Quản lý giá đã hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Với chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Chính phủ về công tác quản lý điều hành giá, ngay từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, Cục Quản lý giá đã chủ động bám sát chủ trương điều hành kinh tế của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới, xây dựng chương trình công tác toàn diện cho năm 2012. Trong đó trọng tâm là những định hướng điều hành giá để thực hiện mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, Cục Quản lý giá đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Bộ để trình Chính phủ hoặc Bộ trực tiếp ban hành các cơ chế, chính sách quản lý giá chung cũng như theo dõi tình hình triển khai công tác giá của các tỉnh, thành phố nhằm tổng hợp và đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình, góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11.
Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng cũng đạt những kết quả tích cực. Liên tục trong cả năm qua, Cục Quản lý giá đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương điều hành giá xăng, dầu theo diễn biến của giá xăng, dầu thế giới, đã xử lý, kết hợp hài hòa giữa thuế nhập khẩu và quĩ Bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Giá than, giá điện, giá nước sạch được giữ ổn định ở mức thấp phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Đặc biệt, công tác kiểm tra, thanh tra giá cũng đã được tăng cường với việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra việc xử dụng vốn hỗ trợ không lãi suất thực hiện bình ổn giá và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá…
Một điểm nhấn trong năm 2012 cũng được dư luận đánh giá cao là việc Luật Giá được sự biểu quyết thông qua với số phiếu cao tuyệt đối đã đánh dấu một mốc son trong ngành Giá...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu khẳng định: "Có thể nói năm 2012 là một năm công tác giá để lại nhiều dấu ấn, nhiều thành tích. Đó là, về mặt thể chế, vượt qua nhiều khó khăn, nhiều cuộc bàn thảo và lấy ý kiến, chúng ta đã hoàn thành xây dựng Luật Giá và đã được thông qua với 100% số phiếu tán thành tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XI. Cùng với đó, các nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về cơ bản đã được hoàn thành trình Lãnh đạo Bộ để trình lên Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây. Trong công tác điều hành, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khích lệ khi CPI cả năm 2012 chỉ tăng 6,81% so với năm trước đó, thấp hơn Quốc hội cho phép; công tác điều hành giá một số mặt hàng nhạy cảm như xăng, dầu… đã được thực hiện một cách hợp lý, linh hoạt được dư luận quan tâm và ủng hộ".
Kiên định, chủ động và linh hoạt trong nhiệm vụ điều hành công tác giá năm 2013
Căn cứ vào mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012 và mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 8%, điều này phần nào cho thấy nhiệm vụ đặt ra trong quản lý, điều hành giá trong năm 2013 là hết sức khó khăn.
Về phương hướng trong năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã chỉ đạo: Cần tiếp tục kiên định, chủ động và linh hoạt trong nhiệm vụ điều hành công tác giá. Năm 2013, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của nền kinh tế, nhất là chất lượng tăng trưởng lại đòi hỏi cao hơn với tốc độ tăng trưởng GDP được đạt ra cao hơn so với năm 2012 (5,5%/5,03%). Theo đó, cũng đòi hỏi cao hơn sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có công tác giá. Trước hết, trong nhiệm vụ xây dựng thể chế, hiện nay một số văn bản qui phạm pháp luật đang được Bộ thẩm định và sẽ được trình Chính phủ trong thời gian gần đây. Cục Quản lý Giá vẫn theo sát tiến độ này để chủ động và kịp thời trong ban hành cũng như triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành các Nghị định của Chính phủ về qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá...
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng nhấn mạnh, trong điều hành công tác giá, trên tinh thần phát huy thành quả của năm 2012, cần chủ động hơn nữa, đặc biệt là chủ động trong công tác dự báo giá để tham mưu, đề xuất với Bộ trong quản lý, điều hành giá theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Trong điều hành phải tuân thủ mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và phải kiên định theo định hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong công tác thanh tra, kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan của Bộ, của các địa phương và sử dụng công nghệ tin học để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong năm 2012.
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá, Cục Quản lý Giá cũng đưa ra 6 giải pháp trọng tâm trong năm 2013 này. Theo đó, sẽ triển khai đồng bộ các nội dung của Luật Giá, điều hành giá nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này… đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiệc các chính sách an sinh xã hội.
Đối với giá xăng dầu, Cục Quản lý giá cho biết, vẫn tiếp tục bám sát theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản của Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2013; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế, trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.
Bên cạnh đó, chú trọng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.
Việc điều chỉnh giá điện trong năm 2013 vẫn được thực hiện theo từng bước có lộ trình với nguyên tắc có kiềm chế, có tính đến điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm điều chỉnh, và phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động đến sản xuất và đời sống xã hội.
Ngoài ra, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá; Tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá… đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng hóa dự trữ Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… Chuyển mạnh hơn nữa sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước nhằm tham mưu kịp thời và có hiệu quả cho Bộ Tài chính, Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành giá, bình ổn giá; Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá; Chủ động kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thẩm định giá...