Năm 2015 - dấu ấn của các hiệp định thương mại tự do
(Tài chính) Từ đầu năm 2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm thuế theo cam kết của 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, năm 2015, nước ta cũng có cơ hội ký kết thêm một số FTA quan trọng, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, bên cạnh việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nước ta đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do bao gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Australia - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, và Việt Nam - Chile. Tính đến năm 2014, mức độ tự do hóa trong ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất, khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống thuế suất 0%. Các FTA còn lại có tỷ lệ tự do hóa thấp hơn nhiều so với ASEAN, trung bình khoảng 30-40% số dòng thuế, trong khi mức độ tự do hóa của biểu thuế ưu đãi chung theo cam kết WTO ở mức 32%.
Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các FTA chỉ chiếm khoảng 5-7% số dòng thuế, bao gồm: thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá), và các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, thuốc nổ). Trong đó, với khu vực ASEAN, chỉ có hai nhóm hàng được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan, gồm: các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường được duy trì thuế suất 5%; các mặt hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện).
Trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các FTA sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, đặc biệt là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga), ASEAN - Trung Quốc, và ASEAN - Hàn Quốc có thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018. Vì vậy, Bộ Tài chính dự đoán, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thịt gà, thịt bò, thịt trâu sẽ tăng từ năm 2015, do thuế suất đối với 3 thị trường ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc xuống mức 0%, và sẽ xuống 0% vào 2020 với các FTA khác. Tương tự, máy móc công nghiệp và thiết bị cũng được dự đoán sẽ tăng nhập khẩu từ năm 2015 do mặt hàng này sẽ giảm thuế suất trong những năm tiếp theo và đến năm 2020 sẽ xóa bỏ thuế quan theo các FTA nước ta đã ký kết.
Một mặt hàng được nhận định sẽ chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn từ năm 2015 là thép, bởi thuế suất của tất cả các FTA đều thấp hơn so với mức thuế suất hợp tác song phương trung bình. Và đến cuối lộ trình (năm 2018), thuế suất trung bình của các hiệp định như Atiga, Asean - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản sẽ chỉ ở mức 0-5%. Và trong khuôn khổ hiệp định Asean - Trung Quốc, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn về 0% năm 2018, và mặt hàng phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào 2020. Nhưng có lẽ tạo sức ép cạnh tranh mạnh nhất là do Hiệp định liên minh thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan, thậm chí là lớn hơn nhiều so với sự cạnh tranh từ thép nhập khẩu Trung Quốc. Do đó, mục tiêu tăng tỷ lệ thép xuất khẩu lên 15% sản lượng sản xuất, và giảm khối lượng nhập khẩu xuống còn 35% nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2015 là khó đạt được.
Tuy nhiên, một số mặt hàng sẽ không chịu tác động của các FTA hoặc chịu tác động theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể, dù cạnh tranh khốc liệt nhưng gạo Việt Nam về cơ bản vẫn giữ được quyền kiểm soát ở thị trường trong nước. Bởi đây là mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm trong tất cả các FTA. Tính đến 2014, các FTA có cam kết thuế suất nhập khẩu trung bình thấp gồm Asean, Asean - Trung Quốc, Asean - Hàn Quốc. Đặc biệt, trong các FTA, cam kết xóa bỏ thuế với các mặt hàng sữa nhập khẩu có hiệu lực chủ yếu vào giai đoạn 2018 và mở ra cơ hội giảm giá sữa cho người tiêu dùng trong nước.
Năm 2015 là năm của những hiệp định thương mại tự do, với nhiều tác động có thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, khi các FTA chính thức được thực hiện sẽ nảy sinh nhiều tình huống khác, các doanh nghiệp cần quan tâm đến những hiệp định nước ta đã ký kết hoặc đang đàm phán, từ đó tận dụng hiệu quả những lợi ích sẽ có, cũng như khắc phục triệt để tác động tiêu cực.