Năm 2015, "giấc mơ" nợ xấu 3% có thành sự thật?

Theo kinhdoanhnet.vn

(Tài chính) Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay đó là kiên quyết xử lý nợ xấu, nhằm đạt mục tiêu đến cuối năm đưa nợ xấu về 3%.

VAMC đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Nguồn: internet
VAMC đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Nguồn: internet

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 09/2014 chỉ còn khoảng 3,8% và đang có xu hướng giảm dần, ước tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ này sẽ giảm chỉ còn khoảng 2,5-2,7%. Còn theo đánh giá từ phía Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 09/2014 rơi vào khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7-4,2%.

Mặc dù có sự chênh lệch khá lớn tuy nhiên nếu như đem những con số này so sánh với tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên hệ thống tại thời điểm cuối tháng 09/2012 (17%) thì có thể thấy rằng tỷ lệ này đã giảm đi khá nhiều và đang có những diễn biến tích cực, khả quan.

Được biết theo báo cáo của VAMC, kể từ tháng 10/2013 đến ngày 23/12/2014, tổ chức này đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu. Đáng chú ý, trong số nợ xấu đã mua, VAMC đã xử lý được hơn 4.000 tỷ đồng qua việc xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, tổ chức đấu giá…

Ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc của VAMC cũng đã đưa ra khẳng định, với kết quả đạt được trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, sự nỗ lực của các ngân hàng, VAMC chắc chắn sẽ hoàn thành chỉ tiêu xử lý nợ xấu.

Với những tín hiệu tích cực như trên, Chính phủ đã đưa ra báo cáo Quốc hội, năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về mức 3%. Theo đó Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để đạt mục tiêu đề ra trong năm tới.

Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam không phải là đơn giản khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong khi khung khổ pháp lý lại chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó Việt Nam còn chưa có nguồn ngân sách nhà nước dành cho việc xử lý nợ xấu, đồng thời cũng chưa có kinh nghiệm xử lý.

Để có thể hoàn thành được mục tiêu đã đề ra Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra chỉ đạo trong năm nay sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xử lý nợ xấu như:  Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu; Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của VAMC; Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát nợ xấu; Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; Tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu….

Nợ xấu vẫn luôn được xem là “cục máu đông” của nền kinh tế, việc xử lý cục máu này không chỉ là trách nhiệm của ngân hàng mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong lúc này, các ngân hàng thương mại phải là những đội quân tiên phong đi đầu trong việc xử lý nợ xấu. Với những động thái quyết liệt của Chỉnh phủ cùng với các bước đi tích cực gần đây, giới chuyên gia đang kỳ vọng vấn đề giải quyết nợ xấu, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một lần nữa sẽ là “giấc mơ có thật”.