Năm 2017, vốn ngoại đổ vào bất động sản Việt Nam lập kỷ lục?

Theo Nguyên Bảo-Hải ÂU/doanhnhansaigon.vn

Nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam có thể lập kỷ lục trong năm 2017 này.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản. Nguồn: internet
TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản. Nguồn: internet

Còn hơn con số 2 tỷ USD

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 10 tháng của năm 2017, một trong 6 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn lớn là khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP. Hồ Chí Minh), với tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư. Trong số 19 ngành nghề thu hút vốn nhà đầu tư ngoại, bất động sản đứng thứ ba với vốn đăng ký 2,04 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 10 tháng.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản, như từ đầu năm đến hết tháng 10, trong hơn 5 tỷ USD vốn ngoại, bất động sản đứng thứ hai, chiếm 32,9%. Riêng trong 10 tháng của năm 2017, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh chứng kiến nhiều cái "bắt tay" giữa nhà phát triển trong nước với khối ngoại.

Đáng chú ý là vụ hợp tác giữa Công ty Nishi Nippon và Hankyu (Nhật Bản) với Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long xây dựng khu dân cư Mizuki Park 26ha tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư 351 triệu USD. Hay việc Sơn Kim Land thu hút 100 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong khi đó, ở Đồng Nai, Long An lại thu hút dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản công nghiệp, chủ yếu là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Đài Loan và Singapore.

Nói về con số hơn 2 tỷ USD vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản trong 10 tháng qua, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam phân tích, đây là con số rất lớn vì ngay như gói 30.000 tỷ đồng cho vay, hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ cũng phải đến năm 2016 mới hoàn thành giải ngân (kể cả thời gian gia hạn), trong khi chỉ trong 10 tháng, số vốn ngoại dành cho bất động sản đã vượt 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam có sức hút với nhà đầu tư ngoại.

Trả lời câu hỏi, liệu có sự nghịch lý nào giữa con số 2 tỷ USD vốn ngoại từ thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài với thực tế phản ánh trên thị trường chứng khoán gần đây khi cổ phiếu bất động sản luôn nằm trong diện bán ròng, một chuyên gia trong lĩnh vực thị trường vốn cho rằng, các công ty niêm yết chỉ phản ánh phần nào bức tranh của thị trường bất động sản, thực chất các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến cổ phiếu bất động sản. Song, những cổ phiếu giá trị như VIC (Vingroup), Novaland (NVL), Khang Điền (KDH) thì dư địa dành cho nhà đầu tư ngoại tham gia không còn nữa.

Tiếp tục hút vốn

Nhận định về dòng vốn ngoại, trong thông cáo về M&A bất động sản khan hiếm đất sạch, phát đi hồi tháng 8 vừa rồi, Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) cho rằng, dòng vốn đầu tư từ khối ngoại vào lĩnh vực bất động sản dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2017 và 2018. Theo đó, tại các đô thị lớn, BĐS nhà ở vẫn là "mảnh đất màu mỡ".

Điều này từng được minh chứng qua báo cáo nghiên cứu về thị trường căn hộ với chủ đề "Làn sóng lớn" mà Savills Việt Nam đưa ra. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có số hộ gia đình mới hằng năm khá cao, lần lượt là 58.000 và 42.000, dẫn đến nhu cầu về nhà ở liên tục tăng.

JLL Việt Nam đánh giá, thông thường, phân khúc nhà ở vẫn là phân khúc hấp dẫn nhất với doanh nghiệp nước ngoài. Các nhà đầu tư ngoại hiện nay cũng đồng thời có xu hướng chuyển sang thị trường bất động sản thương mại, đặc biệt tập trung vào văn phòng hạng A có vị trí đắc địa ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, với tiềm năng tăng trưởng về giá trị vốn và lợi suất đầu tư khá cao và ổn định, dao động từ 7 - 8%.

"Chúng tôi nhận thấy mức giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực, điều đó phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung", JLL Việt Nam chia sẻ.