Tổng vốn FDI đổ vào bất động sản tăng mạnh so với năm 2016
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư đạt gần 300 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 28% trong tổng vốn đầu tư vào các ngành nghề.
Theo đó, ngành kinh doanh bất động sản có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm 28%. Tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với số đầu tư hơn 165 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,2%. Xây dựng có vốn đăng ký gần 139 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 121 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,9%. Sản xuất phân phối điện, nước, ga có vốn đăng ký đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,4%. Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có vốn đăng ký đạt hơn 52 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,1%.
Ngoài ra, cả nước có hơn 105 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt 9,7 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình đăng ký thành lập theo lĩnh vực hoạt động, trong 10 tháng qua lượng doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, ô tô, xe máy có hơn 37 nghìn doanh nghiệp, chiếm 36,0%. Công nghiệp chế biến, chế tạo có 13.449 doanh nghiệp, chiếm 12,8%. Xây dựng có 13.338 doanh nghiệp, chiếm 12,7%, khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 7.832 doanh nghiệp, chiếm 7,5%.
Trong số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng năm 2017, riêng ngành bất động sản có hơn 4.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, nhưng tốc độ tăng lại cao nhất so với các ngành khác (tăng 62,5 so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ngành bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước là 37.817 doanh nghiệp nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất).
Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên doanh nghiệp trong 10 tháng qua một số ngành có tỷ trọng cao như kinh doanh bất động sản đạt 70,3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Sản xuất phân phối điện, nước, ga đạt 66,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 19,7 tỷ đồng/doanh nghiệp, khai khoáng đạt 18,3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy, ngành kinh doanh bất động sản đã có sự chuyển biến tích cực, thu hút rất lớn lượng vốn doanh nghiệp đổ vào đầu tư so với các ngành còn lại trong 10 tháng đầu năm đến nay.
Lý do doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh, theo CBRE Việt Nam đánh giá nhờ những tác động tích cực từ cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện. Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 5,7% GDP. Cùng với đó, hiện nay, 2 tuyến tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh.
Bên cạnh đó, các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B,... và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch như hành lang kinh tế phía Đông, tuyến đường cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh (Campuchia), với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.
Với việc phát triển cơ sở hạ tầng, kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đón nhận những điều tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, đất nước trong thời kỳ hội nhập nên việc thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản ngày càng mạnh mẽ.