Năm 2018 tập trung hoàn thiện chính sách cho thị trường chứng khoán
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ về những đóng góp và tác động của công tác xây dựng chính sách đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2017 và những giải pháp phát triển thị trường trong năm 2018.
Kết thúc năm 2017, chỉ số VN Index đã đạt 984,24 điểm (tăng 48% so với ngày 30/12/2016), báo hiệu một bức tranh tươi sáng của TTCK Việt Nam. Nhân dịp chào đón Xuân Mậu Tuất 2018, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán (UBCKNN) đã có những chia sẻ về những đóng góp và tác động của công tác xây dựng chính sách đối với sự phát triển của TTCK trong năm 2017 và những giải pháp phát triển thị trường trong năm 2018.
Phóng viên: Năm 2017, TTCK Việt Nam có sự phát triển khá ấn tượng. Trên cương vị là lãnh đạo đơn vị tham mưu, giúp UBCKNN xây dựng chính sách phát triển TTCK, xin bà cho biết những điểm nhấn của công tác xây dựng chính sách trong năm vừa qua để góp phần tạo nên những thành công của thị trường?
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Bà Tạ Thanh Bình: Trong năm 2017, quy mô và thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Quy mô vốn hóa toàn thị trường đạt trên 3.500 nghìn tỷ đồng, tăng 80,5% so với năm 2016, đạt trên 70% GDP năm 2017, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho đến năm 2020. Thanh khoản bình quân phiên của thị trường tăng 66% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016 lên mức trên 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017. Chỉ số VN Index tăng 48% so với cuối năm 2016, đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2017 đạt gần 32,9 tỷ USD, tăng trên 90% so với năm 2016.
TTCK năm 2017 phát triển vượt bậc được như vậy trước hết phải kể đến những yếu tố thuận lợi từ kinh tế vĩ mô. GDP tăng trưởng 6,81% trong năm 2017, đạt mốc cao nhất kể từ năm 2011. Nền kinh tế đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Năm 2017 cũng là năm ghi nhận những chuyển biến lớn của TTCK. Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), chức năng thanh toán bù trừ trái phiếu đã được chuyển từ ngân hàng thương mại (NHTM) (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) sang Ngân hàng Nhà nước. Trên thị trường cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. Hồ Chí Minh như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty Cổ phần Vincom Retail... Chính sách gắn cổ phần hóa (CPH) với niêm yết cũng đã giúp cho quy mô TTCK tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, sự ra đời của TTCK phái sinh (TTCKPS) đã góp phần hoàn thiện cơ cấu TTCK Việt Nam và đã được các nhà đầu tư đón nhận tích cực.
Góp phần tạo nên thành công trên của TTCK Việt Nam trong năm qua là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố tích cực, trong đó công tác xây dựng chính sách phát triển TTCK được thể hiện trên các điểm nhấn sau:
Thứ nhất, sự ra đời của TTCKPS:
Năm 2017, sự ra đời TTCKPS tại Việt Nam đã đánh một dấu mốc quan trọng giúp TTCK hoàn chỉnh cấu trúc gồm thị trường huy động vốn (cổ phiếu, trái phiếu) và thị trường phân tán rủi ro, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á có TTCKPS tập trung.
Để chuẩn bị cho sự ra đời của TTCKPS, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường này đã được khẩn trương hoàn thiện. Cùng với Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCKPS và Thông tư số 11/2016/TT-BTChướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP1, Thông tư số 23/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành ngày 16/3/2017 đã nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thị trường. Tiếp theo là việc ban hành một loạt các quy chế hướng dẫn nghiệp vụ giao dịch, bù trừ, thanh toán trên SGDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Trên cơ sở đó, TTCKPS đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017.
Thứ hai, sự ra đời của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 hướng dẫn về quản trị công ty (QTCT) áp dụng đối với công ty đại chúng (CTĐC):
Nghị định này có những quy định cụ thể về Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giao dịch với người có liên quan, Báo cáo và công bố thông tin (CBTT). Đây là Nghị định đầu tiên về QTCT tại Việt Nam. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP đã từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và tháo gỡ các vướng mắc của các doanh nghiệp trên thực tế, từ đó nâng cao hoạt động quản lý, giám sát các CTĐC, tổ chức niêm yết theo các quy định mới, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường.
UBCKNN đã triển khai hai (02) hội nghị tuyên truyền, phổ biến về những điểm mới của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP cho các CTĐC. UBCKNN cũng đã chỉ đạo các SGDCK tăng cường năng lực quản trị điều hành, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện chế độ báo cáo và nghĩa vụ CBTT của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD); giao dịch cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ và người có liên quan; giám sát nội dung CBTT về tình hình QTCT; giám sát việc lập trang thông tin điện tử (website) và việc thực hiện CBTT trên website; thường xuyên nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định nhằm cải thiện hoạt động CBTT của các tổ chức niêm yết.
Thứ ba, công tác xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi:
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/8/20172. Đây là kết quả đầu tiên, là cơ sở quan trọng tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo trong quy trình xây dựng Luật.
Cùng với sự phát triển của thị trường, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cần sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển TTCK ổn định, vững chắc, hoàn chỉnh về cấu trúc, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; tăng quy mô thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm và nghiệp vụ, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế; bảo đảm tính công khai, minh bạch, hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ QTCT tốt, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và tăng niềm tin của thị trường; chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa đà tăng trưởng của thị trường, xin bà cho biết những định hướng trong công tác xây dựng và thực thi chính sách phát triển TTCK trong năm mới 2018?
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của TTCK năm 2017 và đảm bảo phát huy vai trò là kênh huy động vốn cho Chính phủ, doanh nghiệp và cho nền kinh tế, đồng thời ngày càng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế, công tác xây dựng chính sách thị trường năm 2018 tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát:
Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mà trọng tâm là xây dựng Luật Chứng khoán đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ dự thảo, xin ý kiến đối với Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết và CTĐC; bổ sung các quy định về điều kiện thành lập và duy trì hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhằm khơi thông cơ chế trong xử lý các công ty hoạt động kém hiệu quả; tăng cường minh bạch thông qua việc nâng cao chất lượng báo cáo tài chính...
Thứ hai, tiếp tục xây dựng chính sách nhằm tăng cung hàng hóa và nâng cao chất lượng nguồn cung:
Đối với thị trường cổ phiếu: Đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và ĐKGD, tăng cường rà soát và xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ niêm yết/ĐKGD sau CPH; chỉ đạo các SGDCK tăng cường tính cẩn trọng trong công tác xét duyệt hồ sơ niêm yết/ĐKGD, đặc biệt giám sát quá trình tăng vốn và sử dụng vốn trước khi ĐKGD và niêm yết; giám sát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành riêng lẻ, tăng vốn theo Luật Doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp lên sàn...
Đối với TTCKPS và các sản phẩm mới: Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cho ra đời các sản phẩm CKPS mới như Hợp đồng tương lai (HĐTL) TPCP, HĐTL chỉ số cổ phiếu mới và các sản phẩm phù hợp khác. Phát triển hệ thống thành viên trên TTCKPS, mở rộng các thành viên giao dịch trên SGDCK Hà Nội, thành viên bù trừ trên VSD, đặc biệt thành viên là các NNTM. Hình thành các nhà tạo lập thị trường nhằm thúc đẩy tính thanh khoản của các giao dịch trên TTCKPS, đặc biệt là khi thực hiện các sản phẩm mới. Triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant) và tiếp tục triển khai các sản phẩm quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Đối với thị trường trái phiếu: (i) Đẩy mạnh sự phát triển của thị trường TPCP thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu như mua lại TPCP trước hạn, bộ sản phẩm repo trái phiếu; đa dạng hóa các các loại hình giao dịch TPCP theo Thông tư số 10/2017/TT-BTC3; phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường trên thị trường TPCP sơ cấp; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư hình thành hệ thống nhà kinh doanh trái phiếu sơ cấp. (ii) Xây dựng và hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thông qua việc hoàn thiện giải pháp tổ chức triển khai thị trường TPDN và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thị trường TPDN; xây dựng cổng thông tin TPDN và hệ thống giao dịch TPDN phù hợp.
Thứ ba, tái cấu trúc tổ chức vận hành thị trường, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao chất lượng hoạt động và giao dịch trên TTCK thông qua: (i) Hợp nhất các SGDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường - thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCKPS - để nâng cao vị thế của SGDCK Việt Nam trong khu vực ASEAN; (ii) Triển khai hệ thống CNTT hiện đại, toàn diện cho thị trường tại các SGDCK, VSD và các dự án ứng dụng CNTT phục vụ quản lý, giám sát thị trường tại UBCKNN.
Ngoài ra, công tác xây dựng và thực thi chính sách còn cần tập trung vào một số nội dung khác như phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững, đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng nâng cao chất lượng và tinh giản về số lượng phù hợp với quy mô thị trường, nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Xin trân trọng cảm ơn bà!