Năm 2019: Thu hút FDI cần chú ý phương thức mới
Khi các phương thức đầu tư mới ngày càng gia tăng và chứng minh được tầm quan trọng tại Việt Nam, thì Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách và luật pháp để điều chỉnh có hiệu quả các hiện tượng mới trong đầu tư nước ngoài.
Diễn biến trái chiều của vốn ngoại
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã duy trì hai diễn biến khá trái chiều gần như liên tục trong suốt năm 2018 vừa qua. Đó là vốn đăng ký thường xuyên trồi sụt so với năm 2017, trong khi vốn giải ngân lại luôn đạt mức tăng ổn định trong khoảng 6-10% qua từng tháng.
Kết quả chung cuộc, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài là 35,46 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2017. Trong khi đó, vốn giải ngân lại ghi nhận con số kỷ lục từ trước tới nay, đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ.
Mặc dù diễn biến hiếm gặp, song Tổng cục Thống kê nhận định đây là biểu hiện bình thường trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chú trọng tới việc thu hút dòng vốn ngoại chất lượng cao. Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư cho rằng kết quả chung cuộc này còn là điểm sáng bởi sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, khu vực FDI đã đạt đỉnh mới trong vốn giải ngân.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký mới và tăng thêm tuy tăng thấp, song lại cho thấy Chính phủ vẫn đang kiên định mục tiêu thu hút dự án FDI công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thu hút vốn nước ngoài bằng mọi giá như trước đây. Chất lượng giải ngân và đưa vốn vào nền kinh tế tăng lên. Điều này thể hiện việc Chính phủ đã tham gia nhiều hội nghị liên quan đến xúc tiến đầu tư cả ở trong nước và ngoài nước để quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam. Nhờ đó đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều NĐT nước ngoài. Đây chính là động lực để tiếp tục thu hút và giải ngân FDI thời gian tới.
Theo các chuyên gia về FDI, diễn biến của vốn đầu tư nước ngoài trong vài năm trở lại đây cũng cho thấy các hình thức đầu tư truyền thống đang giảm dần. Một số hình thức, phương thức đầu tư mới đã xuất hiện và đang trở thành phổ biến nhằm tiếp cận thị trường đầu tư hiệu quả hơn. Sản xuất theo hợp đồng, thuê ngoài dịch vụ, nhượng quyền kinh doanh, cấp phép và quản lý là phương thức đầu tư mới.
Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi chuỗi cung ứng toàn cầu; robot thay thế một phần lao động của con người, công nghệ thông tin với dữ liệu lớn đã tạo ra cuộc cách mạng về quản trị doanh nghiệp… Vì vậy cần sớm nhận diện sự thay đổi trong hình thức và phương thức đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) trong thời đại kinh tế số.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, khuyến nghị, cần đẩy quá trình công nghiệp hoá đất nước đi theo hướng khác và thu hút đi theo. Đó là công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, hay đi vào kết nối vạn vật, thành phố thông minh… Như vậy cần có ngành công nghiệp chế tạo đủ mạnh, mà hiện nay Việt Nam đang có nền tảng.
Bên cạnh đó, cần có nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ; đội ngũ kỹ sư, nhất là kỹ sư phần mềm rất giỏi. Điều kiện khác là có một môi trường xã hội để có thể ứng dụng công nghệ thông tin, ví dụ internet banking, mobile banking… để thúc đẩy nhanh một số quá trình như kết nối vạn vật, đào tạo nhân lực. Theo ông Nghĩa, Việt Nam đang có lợi thế ở các vấn đề này. Vì vậy, đây là hướng mà Việt Nam cần nghiên cứu và có chiến lược thúc đẩy công nghiệp hoá để tận dụng được các thành tựu công nghệ của FDI và hướng vào công nghệ mới.
Con đường mới đã được khai phá
GS-TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng lưu ý, bối cảnh mới đã làm nảy sinh những hình thức và phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới, điển hình là mua bán và sáp nhập (M&A). Theo đó, từ năm 2011 đến nay, M&A đã trở thành phương thức thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển và chiếm tỷ trọng cao trong vốn FDI đăng ký và thực hiện.
Riêng trong năm 2018 vừa qua, cả nước có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ 2017. Con số này đã chiếm gần 28% vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm và mua cổ phần; chiếm 51,7% vốn thực hiện. Ông Mại nhấn mạnh đây là tỷ lệ khá ấn tượng và sẽ còn tăng qua các năm nhờ đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN và do nhiều DN trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn NĐT nước ngoài. Đây là xu thế đang tiếp diễn để Việt Nam trở thành thị trường M&A lớn trong khu vực.
Một hình thức khác là đầu tư qua biên giới không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM) cũng đã được thực hiện ở Việt Nam, sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng quan trọng đối với thu hút FDI. Trên thế giới, các khoản đầu tư theo NEM đang gia tăng vì đưa lại lợi ích lớn cho DN nước tiếp nhận. Về phía các TNC, sau một thời gian nhận thấy DN tiếp nhận đầu tư hoạt động có hiệu quả, cần mở rộng kinh doanh, thì TNC góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc tăng thêm vốn đầu tư.
Theo ông Mại, hoạt động đầu tư của Vingroup là điển hình cho NEM, với 2 thương hiệu VinFast và Vinsmart. Theo đó, VinFast đã hợp tác công nghệ với một số tập đoàn ô tô và linh kiện phụ tùng lớn của châu Âu như BMW, Siemens AG và Robert Bosch GmbH của Đức; Magna Steyr của Áo; hãng thiết kế Pininfarina của Ý; liên doanh sản xuất thân vỏ xe với Aapico Hitech của Thái Lan. Đây là hình thức hợp tác bình đẳng với những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới. TS. Nguyễn Mại nhấn định, Vingroup đã khai phá con đường mới trong hợp tác và đầu tư với nước ngoài bằng phương thức chuyển giao công nghệ, thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, sản xuất sản phẩm, nhưng NĐT nước ngoài không góp vốn.
“Khi các phương thức đầu tư mới ngày càng gia tăng và chứng minh được tầm quan trọng tại Việt Nam, thì Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách và luật pháp để điều chỉnh có hiệu quả các hiện tượng mới trong đầu tư nước ngoài”, ông Mại khuyến nghị.